Biên chế cần phù hợp với trách nhiệm, công việc

Báo cáo mới nhất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay thành phố dôi dư 5.705 công chức, viên chức so với chỉ tiêu Trung ương giao; trong đó, có 3.601 công chức và 2.104 viên chức.

Cụ thể, tổng biên chế công chức Trung ương giao cho Thành phố Hồ Chí Minh là 10.869 người nhưng thực tế là 14.470 người (nhiều hơn 3.601 người). Số biên chế viên chức Trung ương giao là 97.881 người nhưng thực tế là 99.985 người (nhiều hơn 2.104 người). HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt tổng số lượng biên chế này, trong đó có số lượng biên chế phát sinh từ nhu cầu thực tế về bộ máy quản lý của một đô thị hơn 10 triệu dân.

Thực tế trên có thể chấp nhận được khi số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp từ thành phố đến cơ sở tăng đều hằng năm do tăng dân số cơ học; trong đó, số lượng bệnh viện, cơ sở y tế, trường học… hình thành tương ứng để chăm lo về giáo dục, y tế cho người dân. Không ở đâu có một số mô hình đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh. Với mỗi Đội quản lý trật tự đô thị tại mỗi địa phương (khoảng 50 người) thì 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã có gần 1.000 người. Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước cần phải hình thành, duy trì để quản lý, kiểm tra, chế tài trước hàng loạt vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng sống của hàng triệu người dân.

Cử tri tại một phường của thành phố Thủ Đức từng phản ánh, Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Thủ Đức đề ra mục tiêu thành phố Thủ Đức đóng góp 1/3 GDP của Thành phố Hồ Chí Minh và 8% GDP của cả nước, là cực tăng trưởng mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện số lượng cán bộ, công chức của thành phố Thủ Đức chỉ tương đương khung biên chế của các quận khác trong khi đây lại là mô hình “thành phố trong thành phố”.

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức chia sẻ, sau khi sáp nhập ba quận, số lượng dân cư của thành phố Thủ Đức đã lên tới hơn một triệu người. Trên thực tế, khối lượng công việc cần giải quyết không giảm mà có phần tăng lên trong bối cảnh 30% công chức, viên chức của ba quận cũ bị cắt giảm.

Trên bình diện chung, nhiều lãnh đạo quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với số lượng cán bộ lãnh đạo mỏng so với yêu cầu và khối lượng công việc như hiện nay, trong khi chưa có cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn đã dẫn đến áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối chính quyền. Hệ luỵ, đã có nhiều cán bộ xin thôi việc, trong đó có không ít cán bộ chủ chốt.

Số lượng biên chế công chức và viên chức phục vụ cho bộ máy chính quyền được Trung ương giao cho Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở định biên, quy mô dân số, tính chất đặc thù của từng loại đô thị, nhưng thực tế đặt ra Trung ương cần xem xét có cơ chế phù hợp về định biên cán bộ, công chức để chính quyền các cấp và các ngành của Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện phục vụ người dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển mà thành phố đặt ra. Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó không thể thiếu vai trò của cán bộ, công chức để duy trì nhịp độ của một thành phố phát triển toàn diện về mọi mặt.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất Trung ương theo tinh thần làm sao đủ nhân lực thực hiện trách nhiệm kết hợp với thực hiện nghiêm nghị quyết, phát huy tính tự chủ và cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách. Để ổn định và căn cơ, Trung ương cần có cơ chế đặc thù về tổng chỉ tiêu biên chế bảo đảm cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ổn định, bền vững như tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh đi đôi với hiệu quả, trách nhiệm mà Nghị quyết 54 của Quốc hội đã kỳ vọng đặt ra.