Biến cam kết thành hành động

Với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng khoảng 40.000 đại biểu, Hội nghị COP 27 tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) dự kiến biến cam kết của các quốc gia thành hành động, giúp thu hẹp bất đồng về tìm kiếm nguồn tài trợ cho các sáng kiến đối phó biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 27) được tổ chức tại Ai Cập từ ngày 6-18/11. Đây là hội nghị cấp cao về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. Hội nghị hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế toàn cầu và giúp đỡ các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu như bão lũ, sóng nhiệt, hạn hán...

Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh, COP 27 cần mang lại một sự thay đổi rõ rệt. Nếu như COP 21 tại Paris đã đặt ra giới hạn cần khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp, COP 26 tại Scotland đã hoàn thiện bộ quy tắc cho việc thực thi mục tiêu này thì COP 27 tại Sharm El-Sheikh cần “chuyển từ lời nói sang hành động”.

Tại hội nghị COP 26 diễn ra ở Scotland năm ngoái, các bên đã đưa ra một loạt cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng các nước giàu vẫn chưa thực hiện được mục tiêu cung cấp khoảng 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu. Vì thế, ông Stiell kỳ vọng COP năm nay sẽ tạo ra một cơ chế tài chính để tài trợ và bù đắp cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước nghèo phải hứng chịu do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Ông nói: “Các cuộc thảo luận đã diễn ra suốt ba thập kỷ… Đã đến lúc cần thảo luận cởi mở và trung thực về mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra”.

Đây là lần thứ năm một quốc gia châu Phi đăng cai tổ chức COP. Ông Mithika Mwenda, người đứng đầu Liên minh công bằng khí hậu liên Phi nhận định, hội nghị đem đến cơ hội hiếm có giúp châu Phi trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu. Mặc dù lục địa châu Phi chỉ phát thải 3% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng châu lục này đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, đặt ra các mối đe dọa hiện hữu đối với hệ sinh thái và sinh kế của người dân.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina, nói rằng, COP 27 là cơ hội để thu hẹp khoảng cách về huy động nguồn vốn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Phi hướng tới một tương lai xanh và bền vững. Ông Adesina khẳng định, dù phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, song châu Phi nhận được khoản tài trợ khí hậu hằng năm là 18 tỷ USD, chỉ bằng một phần nhỏ trong tổng số tiền mỗi năm mà châu lục này cần là 128 tỷ USD để đối phó tác động từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Chủ tịch AfDB nhấn mạnh, để thu hẹp khoảng cách tài trợ khí hậu tương đương 110 tỷ USD như trên, các nước châu Phi cần thúc đẩy các nguồn vốn bổ sung từ các bên cho vay đa phương và các nước giàu tại COP 27. Ông đề xuất một phần của khoản tài chính này sẽ hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và hệ thống lương thực có thể chống chịu được những cú sốc như hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng. Nước chủ nhà Ai Cập đã đưa ra nhiều các sáng kiến xanh trước thềm Hội nghị COP 27 với kế hoạch tăng cường đầu tư xanh lên 50% tổng đầu tư công vào năm 2024/2025, tăng từ mức 40% hiện nay.

Giám đốc khu vực của Nhóm môi trường 350Africa.org, ông Landry Ninteretse nhận định, COP 27 sẽ là phép thử về cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện thế giới cần có các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu một cách công bằng, dễ tiếp cận và minh bạch. Do vậy Hội nghị COP 27 lần này chính là dịp để các nước giàu biến cam kết thành hành động cụ thể, để những cam kết trước đó không chỉ là “lời nói suông”.