Tuyệt đối không để phát sinh thủ tục trong chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

NDO -

Ngày 21/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản số 2157/BHXH-TST gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc về việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Kịp thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trung Tâm)
Kịp thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trung Tâm)

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ban hành Quyết định số 722/QĐ-BHXH về việc thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch Covid-19 trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại Bảo hiểm xã hội 19 tỉnh, thành phố.

Ngay khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 23), toàn ngành BHXH Việt Nam đã khẩn trương và có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong nội bộ.

Tính đến hết ngày 16/7, đã hoàn thành việc gửi thông báo về số tiền (khoảng 4.322 tỷ đồng) do giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến hơn 375 nghìn đơn vị, với hơn 11,2 triệu lao động, góp phần hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch Covid-19.

Để tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn, cùng chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, quán triệt công chức, viên chức, người lao động tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện của toàn ngành trong giai đoạn hiện nay.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương báo cáo UBND tỉnh, thành phố các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải phân công theo dõi nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết các thủ tục liên quan theo quy định. Khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động của Sở theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 23, thực hiện chuyển ngay kinh phí để doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhằm duy trì việc làm bền vững của đơn vị, doanh nghiệp.

Kịp thời thực hiện xác nhận các danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách người lao động ngừng việc; danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Quyết định số 23 để đơn vị, doanh nghiệp, người lao động có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống, hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.