Tư vấn đối thoại

Quy trình thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Theo quy định của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Vậy, để được hưởng hỗ trợ này, đơn vị sử dụng lao động cần làm những thủ tục gì; hồ sơ sẽ được giải quyết thế nào, trong thời gian bao lâu?
 
 Nguyễn Văn Minh (Hải Dương)
 

Quy trình thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 7/7/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định này được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng tính từ tháng người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị.

Để triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 8/7/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ra Văn bản số 1988/BHXH-TST hướng dẫn về quy trình, thủ tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Theo đó, cơ quan BHXH hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động (đơn vị) lập Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, gửi cơ quan BHXH nơi quản lý thu BHXH qua giao dịch điện tử hoặc cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, cổng Dịch vụ công quốc gia. Trường hợp chưa giao dịch điện tử thì gửi hồ sơ giấy.

Cũng theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, thời hạn giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ (giảm 1 ngày so với Quyết định 23/2021/QĐ-TTg).

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp trong trường hợp nào?

Theo quy định, những trường hợp nào được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trực tiếp tại cơ quan BHXH?

Hà Thị Thắm (Tuyên Quang)

Trả lời:

Theo Luật BHYT, tổ chức BHYT (cơ quan BHXH) thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trực tiếp cho nguời có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:

-Tại cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT;

- Khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định tại Điều 28 của Luật này;

- Trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Theo Điều 4 Thông tư số 09/2019/TT-BYT ngày 10/6/2019 của Bộ Y tế, ngoài các trường hợp trên, người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh trong các trường hợp:

- Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;

- Trường hợp dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT;

- Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.