Tích cực truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam lần thứ 14 năm nay sẽ tập trung vào chủ đề: “Bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình”.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa: Linh Nguyễn)
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa: Linh Nguyễn)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1643/BHXH-TT về việc truyền thông nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7.

Cơ quan này hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội tỉnh) tổ chức các hoạt động truyền thông với chủ đề: “Bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình”.

Trước hết, tăng cường công tác thông tin, truyền thông theo các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành. Trong đó, chú trọng tiếp tục truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm y tế hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Đồng thời, tập trung truyền thông những chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế mới ban hành; kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2022 và những nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động truyền thông đề cập tới tiện ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cùng với đó, nhận diện các hành vi vi phạm, những hình thức lạm dụng, trục lợi trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và mức độ xử lý đối với tổ chức, cá nhân; công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả.

Phản ánh gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; những sáng kiến, sáng tạo của ngành bảo hiểm xã hội, ngành y tế trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Truyền thông, cổ vũ các doanh nghiệp, ngân hàng, các tập đoàn và các tổ chức, cá nhân tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg, vận động tiếp tục duy trì sự hỗ trợ trong những năm tiếp theo, hướng tới mục tiêu là tất cả mọi người dân đều có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe khi về già.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc phối hợp Bưu điện tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7 để vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, tính đến ngày 3/6/2022, cả nước có 16,74 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 193,8 nghìn người so với cuối năm 2021. Số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 1,3 triệu người, tăng 170,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Về bảo hiểm y tế, số người tham gia là 86,258 triệu người, giảm 2,578 triệu người so với cuối năm 2021, giảm 1,466 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 

Một trong những nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến công tác thu, phát triển bảo hiểm y tế. Ngoài ra, việc áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg, nên việc phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu, trong tháng 5 vừa qua, các cơ quan liên quan đã triển khai thành công Tháng Triển khai vận động bảo hiểm xã hội toàn dân. Tới đây, sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7.

Ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt hơn nữa với các giải pháp. Với bảo hiểm y tế, phải rà soát kỹ các nhóm đối tượng, trên cơ sở đó có phương án với từng nhóm, nhất là với các nhóm có số lượng giảm hơn 50 nghìn người trở lên. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải cố gắng tham mưu để huy động nguồn hỗ trợ tham gia từ ngân sách địa phương, gắn với quá trình triển khai thực hiện giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2009, Chính phủ đã chọn ngày 1/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam để tuyên truyền về Luật Bảo hiểm y tế. Hoạt động này nhằm khuyến khích, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác bảo hiểm y tế và cán bộ, nhân viên ngành y tế.