Tích cực chăm sóc sức khỏe người dân vùng lũ

Chưa khi nào ngành y tế tỉnh Quảng Bình lại bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề như lần này. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và hệ thống y tế cơ sở bị ngập sâu trong nước, trang thiết bị y tế bị hư hỏng nhiều. Thế nhưng, vượt lên khó khăn, thiệt hại do thiên tai, ngành y tế Quảng Bình đang từng bước ổn định hoạt động để làm tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân vùng lũ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cung cấp viên xử lý nguồn nước cho người dân khi lũ bắt đầu rút dần.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cung cấp viên xử lý nguồn nước cho người dân khi lũ bắt đầu rút dần.

Cùng sản phụ "vượt cạn" trong lũ

Với chị Đinh Thị Tương, ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, lần sinh nở trong mưa lũ tháng 10 này là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình, bởi lẽ nếu không có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng công an và các y, bác sĩ, chắc gì giờ này hai mẹ con chị được an toàn. Chị kể lại, sáng 18-10, chị chuyển dạ, gia đình đang chuẩn bị đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình thì trời mưa rất to, nước lũ lên nhanh, trong khoảng thời gian ngắn, xã Quảng Lộc bị cô lập. Không còn cách nào khác, người thân chị gọi cho  công an xã cầu cứu. Vài chục phút sau, các anh công an xã bơi chiếc thuyền phao đến rồi đưa chị lên và đẩy thuyền men theo tuyến đường liên xã hơn 1 km trong nước lũ để ra tới điểm cao cầu Quảng Hải 2. Đến đó, chị được đưa lên xe của cảnh sát giao thông thị xã đang ứng trực để tới Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình. Tới nơi, nước lũ đã tràn vào sân bệnh viên. Trời về chiều, mưa càng to hơn, nước lũ lên cao nhấn chìm hơn một nửa tầng một của bệnh viện. Khi chị Tương trở dạ, điện  bị cắt, máy phát điện bị ngập, các y, bác sĩ phải trợ giúp người phụ nữ này “vượt cạn” trong chút ánh sáng của  đèn pin. 

Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, trong đêm lũ cao điểm, dù rất khó khăn do nước lũ bủa vây nhưng bệnh viện đã cố gắng hỗ trợ, xử lý giúp cho ba sản phụ sinh con an toàn, nhiều người bị thương khi chằng néo nhà cửa cũng được cấp cứu kịp thời. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, nước ngập hơn 2 m làm cho điện bị cắt, nhiều máy móc bị hỏng. Dù vậy, bệnh viện vẫn mổ sinh an toàn bốn ca, mổ cấp cứu ruột thừa cho người dân trong huyện. Bệnh viện vẫn bảo đảm dinh dưỡng, thực phẩm an toàn cho người bệnh. Cũng trong ngày 19-10, có hai sản phụ  được chuyển đến Trạm y tế xã Phong Hóa và Trạm y tế xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa để sinh con. Lúc này, nước lũ đã ngập nửa chiếc giường nhưng với sự chủ động của các y, bác sĩ tại các trạm y tế, cả hai sản phụ đã  “vượt cạn” thành công. Một ngày sau, khi nước lũ dâng cao làm ngập trạm y tế, hai cặp mẹ con này được chuyển lên thuyền đưa đến nơi an toàn để chăm sóc. Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các y, bác sĩ vẫn cố gắng khắc phục để bảo đảm cấp cứu, đỡ đẻ, phẫu thuật an toàn cho người bệnh. “Mất điện toàn viện, nhiều ca bác sĩ phải dùng đèn pin hoặc dụng cụ khác để mổ cho bệnh nhân nhờ vậy giúp nhiều người vượt qua cơn bạo bệnh hoặc sinh nở an toàn. Trong hoàn cảnh mưa lũ, các cơ sở y tế và các y, bác sĩ càng thể hiện tình đoàn kết, tương trợ” - bác sĩ Cường nói.

Tập trung chăm sóc sức khỏe người dân

Trong trận lũ lịch sử qua, các đơn vị trong ngành y tế Quảng Bình phải hứng chịu hậu quả nặng nề. Nhiều cơ sở y tế bị ngập sâu, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn bị hư hỏng, thiệt hại gần 50 tỷ đồng. Khó khăn là vậy, song ngay khi lũ rút, cùng với khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sửa chữa tạm thời các thiết bị bị hỏng nhẹ, công tác cấp cứu, thu dung và điều trị cho người bệnh sau lũ lụt được các đơn vị y tế trong tỉnh hết sức chú trọng. Bác sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết thêm, ngay sau khi nước rút, các trung tâm y tế huyện và mạng lưới y tế cơ sở đã khẩn trương thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tập trung vào các xã bị ngập lụt. Sở Y tế đã cấp 10 cơ số thuốc, hóa chất và chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ xử lý môi trường, bảo đảm an toàn cho người dân vùng bị ngập lụt. Sở chỉ đạo thành lập hai đội cơ động với đủ phương tiện, nhân lực và hóa chất để hỗ trợ phòng dịch cho tuyến cơ sở. 

Cùng với bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Minh Hóa về hỗ trợ hóa chất và hướng dẫn xử lý nguồn nước cho người dân “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa, chúng tôi đã chứng kiến cảnh gian nan của người dân sau trận lũ lớn. Nhà cửa ngập  trong bùn đất, nước từ giếng khơi sau lũ bốc mùi tanh bùn,  rác rưởi khắp nơi. Người dân mệt mỏi, rã rời sau nhiều trận lũ nên việc thu dọn nhà cửa, vật dụng có phần khá chậm. Tại thôn 4, xã Tân Hóa, các cán bộ Trung tâm Y tế huyện cấp phát Cloramin B để khử khuẩn và viên Aquatas khử trùng nước cho bà con. Ông Đinh Văn Hà cho biết, sau lũ, nguồn nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng với người dân. Có cán bộ y tế hỗ trợ, bà con sớm có nguồn nước bảo đảm vệ sinh để dùng. Nhờ sự nỗ lực đó, chỉ sau một ngày nước rút, người dân xã Tân Hóa đã có nguồn nước khá tốt để sử dụng. Trạm y tế xã cũng được cung cấp các loại thuốc  thông thường để giúp người dân phòng, chống dịch bệnh như nước ăn chân, ghẻ lở, đỏ mắt, ốm sốt do nhiễm lạnh.