Tư vấn - Đối thoại

Thủ tục chuyển nơi nhận lương hưu

Sắp tới, bố mẹ tôi sẽ chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống cùng tôi. Vậy bố mẹ tôi cần làm thủ tục như thế nào để chuyển nơi nhận lương hưu?

Chi trả lương hưu cho người dân TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)
Chi trả lương hưu cho người dân TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

NGUYỄN THÚY HÀ (Thành phố Hồ chí Minh)

Trả lời:

Điều 115 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định về việc chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội như sau:

"Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chuyển đến nơi ở khác trong nước có nguyện vọng được hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do".

Về thủ tục hồ sơ, Điều 6 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định: Đối với di chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; di chuyển hồ sơ chờ hưởng lương hưu, trợ cấp cán bộ xã hằng tháng, hồ sơ là Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB.

Như vậy, để chuyển nơi nhận lương hưu, bố mẹ bạn cần nộp giấy đề nghị chuyển nơi hưởng lương hưu theo mẫu 14-HSB cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng lương hưu.

Hiện nay, ngoài nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa, người làm thủ tục có thể chuyển hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc thực hiện trực tuyến.

Có thể truy đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Sau khi nghỉ việc vào năm 2018, chồng tôi đã chốt sổ Bảo hiểm xã hội và bảo lưu thời gian đóng. Hiện nay chồng tôi có nhu cầu tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vậy chồng tôi có thể truy đóng cho thời gian chưa tham gia trước đây (từ năm 2018 đến nay) để thời gian đóng được liên tục hay chỉ có thể đóng từ thời điểm này? Hiện nay mức đóng là bao nhiêu? NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Hà Nội)

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (theo quy định hiện hành, từ ngày 1/1/2022 mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, nên mức đóng thấp nhất là 330.000 đồng-chưa tính giảm trừ theo tỷ lệ Nhà nước hỗ trợ) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện là 1.490.000 đồng/tháng, nên mức thu nhập tháng tính đóng tối đa là 29.800.000 đồng).

Hiện nay có tất cả sáu phương thức tham gia mà người tham gia có thể lựa chọn là: Đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.

Tại Điều 9, Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không có căn cứ để chồng bạn được truy đóng hoặc đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm trước đây.

Nếu chồng bạn có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng từ thời điểm hiện tại theo một trong các phương thức đóng nêu trên.