Thêm hơn 376 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đến hết tháng 5 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,4 triệu người, tăng hơn 376 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa như kỳ vọng. 

Lao động tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Amata, Đồng Nai. (Ảnh minh họa: Thiên Vương)
Lao động tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Amata, Đồng Nai. (Ảnh minh họa: Thiên Vương)

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giao ban công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 6.

Đến hết tháng 5/2022, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước đạt hơn 16,7 triệu người, chiếm tỷ lệ 33,81% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 507 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,4 triệu người và tăng hơn 376 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,3 triệu người, tăng 130.734 người so với cùng kỳ năm.

Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 86,2 triệu người, bao phủ 87,15% dân số.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội bắt buộc có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm cũng như so với cuối năm 2021, song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Qua khảo sát của các địa phương, nhu cầu sử dụng lao động là gần 2 triệu người, trong đó các tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sử dụng khoảng 530 nghìn người. Thế nhưng, số lao động quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương vẫn ít. Nguyên nhân là do người lao động có sự so sánh thu nhập tại đây với địa phương cư trú, đặc biệt các địa bàn này chưa thực sự thu hút được người lao động an tâm lập nghiệp.

Cũng theo ông Hào, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự tăng trưởng so tháng trước khoảng 22 nghìn người. Qua lễ ra quân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân vào tháng 5 vừa qua, các đơn vị đã vận động được 30 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 70 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm so với năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm 150 nghìn người, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, với mức giảm khoảng một phần ba.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ số tiền lớn với thời gian kéo dài. Trong khi đó công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả. Việc thu hồi số tiền hưởng bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp sai quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, đến cuối năm còn phải phát triển hơn 2,4 triệu người. Trong đó, hơn 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; gần 980 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đáng chú ý, tỷ lệ bảo hiểm y tế tăng trưởng chậm, nhất là bảo hiểm y tế vẫn giảm sâu so với thời điểm hết năm 2021. Đến hết tháng 5/2022 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mới đạt khoảng hơn 88% dân số. So với chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022 là 92%, chỉ tiêu này vẫn còn khoảng cách khá xa, rất khó khăn để hoàn thành.

Bên cạnh đó, tình trạng “mượn” hồ sơ tư pháp để đi làm, tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục phát sinh những hệ lụy phức tạp nhưng chưa có hướng dẫn giải quyết của cơ quan có thẩm quyền... Việc thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất trong thực tiễn đã phát sinh vướng mắc, bất cập, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trong tháng 6 và những tháng còn lại của năm 2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị, bảo hiểm xã hội các địa phương bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chỉ đạo của Thủ tướng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; rà soát lại các địa phương đã ban hành Nghị quyết hoặc chưa về giao phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến các xã; công tác hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các địa phương thế nào, mức hỗ trợ.

Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, đặc biệt rà soát, đánh giá nguyên nhân chủ quan trong phát triển, thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết kịp thời chế độ cho người dân với tinh thần cải cách tốt nhất đi đôi với việc quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra; chấp hành nghiêm kỷ cương kỷ luật, gắn thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị…