Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội

Để kịp thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều 27/7, đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và một số đơn vị bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: THANH HẰNG
Lãnh đạo BHXH Việt Nam bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: THANH HẰNG

Bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người thụ hưởng

Báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, đến hết ngày 16/7, BHXH thành phố đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) cho 87.472 đơn vị, tương ứng 1.439.694 lao động với tổng số tiền hơn 643 tỷ đồng. Đến ngày 26/7, BHXH thành phố ban hành quyết định dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho bốn đơn vị, với 17 lao động và số tiền hơn 290 triệu đồng; xác nhận danh sách cho 4.854 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc. Dự kiến đến hết năm 2021, toàn thành phố có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng; chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động ước khoảng 45.358 đơn vị với gần 1,2 triệu lao động. 

Theo báo cáo, trong sáu tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn thành phố đều tăng so cùng kỳ, bảo đảm độ bao phủ BHXH, BHYT và chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, số người tham gia BHYT tăng 295.869 người so cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,4% số dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại... dẫn đến tỷ lệ nợ BHXH, BHYT tăng cao. Số tiền nợ là 4.754,2 tỷ đồng, chiếm 9,16% so với số phải thu, tăng 1.390,2 tỷ đồng so cuối năm 2020…

Năm 2021, BHXH thành phố ký hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT với 181 cơ sở KCB từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Phối hợp với Bưu điện thành phố thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 7, 8/2021 vào cùng kỳ chi trả tháng 7/2021 cho 587.850 người, với tổng số tiền 5.700,8 tỷ đồng bảo đảm an toàn, đúng kỳ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm chi trả; đã cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho 3.522.913 người, tạo thuận lợi cho người tham gia khi đi KCB BHYT...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với việc thực hiện các chính sách này. Đồng thời, đề nghị trong bối cảnh dịch Covid-19, BHXH Việt Nam có những hướng dẫn, tiếp tục tạo điều kiện để làm sao người dân và doanh nghiệp được hưởng quyền lợi một cách cao nhất.

Đồng hành cùng cơ sở y tế, vì nhân dân phục vụ

Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết trong quá trình triển khai, BHXH thành phố gặp phải một số khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19. Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với bệnh nhân Covid-19 có thẻ BHYT, chi phí điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả, chi phí các bệnh khác kèm theo do quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, việc phân định rõ chi phí nào điều trị Covid-19 và chi phí nào điều trị bệnh khác rất khó khăn như tiền giường, tiền xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm máu… Ngoài ra, còn những vướng mắc liên quan đến hồ sơ ký hợp đồng KCB BHYT đối với bệnh viện dã chiến, trường hợp địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đối với người bệnh BHYT đang được quản lý, điều trị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, sử dụng thuốc chống thải ghép hằng tháng... “Việc cơ sở y tế tuyến trên chuyển thuốc về cơ sở y tế tuyến dưới nơi bệnh nhân sinh sống để tiếp tục khám, cấp thuốc theo phác đồ đang điều trị tại tuyến trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người bệnh”, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội nêu rõ. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn về việc xác định chi phí KCB điều trị Covid-19 với các trường hợp cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình triển khai công tác KCB.

Chia sẻ về những vướng mắc trong KCB BHYT thời gian qua, trong buổi làm việc với BHXH Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thường cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 163 bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên cũng đang gặp một số khó khăn trong việc thanh toán với cơ quan BHXH. Bệnh viện đa khoa Đức Giang là bệnh viện đa khoa hạng I, luôn cố gắng phục vụ tốt nhu cầu KCB của người dân, trong đó có KCB BHYT với tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT chiếm từ 60 đến 70% tổng số bệnh nhân của bệnh viện. 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam luôn đồng hành với các cơ sở y tế trên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 có những vấn đề phát sinh mới, chưa có tiền lệ đòi hỏi cần tăng cường trao đổi, phối hợp giữa cơ quan BHXH và bệnh viện để có những giải pháp giải quyết nhanh. BHXH Việt Nam sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cao nhất trong phạm vi cho phép, để các y sĩ, bác sĩ có thể tập trung tốt hơn vào chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời vẫn tuân thủ, bảo đảm những quy định, thủ tục.

Trong tình hình dịch Covid-19 với nhiều phức tạp như hiện nay, phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời nhằm đáp ứng giải quyết những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vì vậy, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH thành phố Hà Nội cần có phương án linh hoạt trong chi trả các chế độ BHXH, nhất là trong những vùng giãn cách, phong tỏa có thể qua tài khoản ngân hàng hay qua các “Tổ Covid-19” như mô hình của một số địa phương. Khẩn trương phối hợp, tạo điều kiện để người bệnh trong khu vực cách ly, giãn cách khi có nhu cầu phải được đi KCB ở bất cứ cơ sở y tế nào, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu, miễn là người dân thấy thuận tiện nhất; quan tâm, bảo đảm nguồn kinh phí để cơ sở KCB mua thuốc, vật tư y tế để bảo đảm việc KCB cho bệnh nhân...