“Sức mạnh” của dữ liệu bảo hiểm xã hội

Ngày 4/10, chỉ sau bốn ngày Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm (BH) thất nghiệp có hiệu lực, gần 1.200 công nhân Tổng công ty May 10 (Hà Nội) đã nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân ATM. Những lao động của May 10 chỉ là một phần trong số hàng chục nghìn người lao động trong cả nước đã và đang tham gia BH thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả hỗ trợ theo quy định ngay trong những ngày đầu triển khai chính sách này. Không chỉ người lao động được hỗ trợ nhanh chóng, đáng nói hơn, việc giảm mức đóng BH thất nghiệp từ 1% xuống 0% cho gần 400 nghìn đơn vị sử dụng lao động cũng đã được ngành BHXH hoàn tất cơ bản chỉ trong vòng năm ngày.

Sản xuất ở Công ty cổ phần công nghệ cao Thái Minh tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Sản xuất ở Công ty cổ phần công nghệ cao Thái Minh tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.

Có thể nói, kết quả nêu trên là minh chứng rõ nhất về sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết 116 và Quyết định 28, để đưa chính sách hỗ trợ đến với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động một cách nhanh nhất ngay trong giai đoạn khó khăn, cần được hỗ trợ nhất. 

Trên thực tế, để các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116, Quyết định 28 có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống như vậy, BHXH Việt Nam phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn.

Nguồn dữ liệu của hàng trăm nghìn đơn vị sử dụng lao động với hàng chục triệu lao động đang tham gia BH thất nghiệp, cũng như dữ liệu của hàng chục triệu lao động đã tham gia nay đang bảo lưu thời gian đóng BH thất nghiệp đã nhanh chóng được xử lý, phục vụ việc triển khai các nghiệp vụ liên quan, như: Lọc thông tin, gửi thông báo, rà soát, đối chiếu... để giải quyết theo đúng quy định.

Đây cũng là nền tảng để ngành BHXH Việt Nam thực hiện việc thông tin đến từng người lao động về chế độ hỗ trợ mà mình được thụ hưởng; đồng thời triển khai việc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp qua nhiều kênh khác nhau (ngoài hình thức giao dịch trực tiếp tại cơ quan cấp tỉnh/huyện hay qua dịch vụ bưu chính) như qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, qua các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN và nhất là qua ứng dụng VssID - BHXH số được cài đặt trên thiết bị di động. Tất cả đã góp phần vào việc thực hiện chính sách được nhanh chóng, thuận lợi và chính xác nhất. 

Cùng với việc phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ BHXH trong thời gian này, việc khai thác nền tảng cơ sở dữ liệu BHXH cũng như các giải pháp công nghệ thông tin còn là cơ sở để BHXH Việt Nam tự tin đưa ra mục tiêu hoàn tất việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ BH thất nghiệp chỉ trong 1,5 tháng - giảm một nửa thời gian so với yêu cầu của Chính phủ.

Với những kết quả đã đạt được ngay từ những ngày đầu, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng mục tiêu, quyết tâm đó của ngành BHXH sẽ trở thành hiện thực, góp phần giải quyết được những khó khăn trước mắt cho người lao động và đơn vị sử dụng trong giai đoạn dịch bệnh này để cùng hướng tới sự phát triển trong điều kiện “bình thường mới”.