Sửa Luật Bảo hiểm y tế, cần tối ưu hóa nguồn lực

Qua mỗi lần xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng mở rộng, tỷ lệ bao phủ liên tục nâng cao, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Ðông bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Ðông bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHYT hiện hành cũng cho thấy những bất cập, vướng mắc nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi. Ðề cập đến những vấn đề nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được Bộ Y tế đưa ra bàn thảo lấy ý kiến góp ý, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (hiện là chuyên gia cho tổ biên tập dự thảo Luật BHYT sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022) có những chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được đưa ra bàn thảo hiện nay, những điểm mới nào sẽ tạo ra sự "đột phá" trong thực hiện chính sách BHYT?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Có thể nói, các điểm "đột phá" nhất của dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này là: đưa một số dịch vụ chăm sóc ban đầu vào danh mục do quỹ BHYT chi trả; đồng thời quy định nguyên tắc áp dụng khi thay đổi danh mục thuốc/dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả phải căn cứ trên kết quả đánh giá công nghệ y tế về hiệu quả kinh tế - xã hội của loại thuốc/dịch vụ y tế đó. Trong hai nội dung mới đột phá này, vấn đề bổ sung nguyên tắc dựa trên kết quả đánh giá công nghệ y tế là điểm rất tiến bộ, khoa học, khách quan và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị nên xem xét điều chỉnh lại danh mục thuốc BHYT cho hợp lý, vì danh mục quá rộng, không tương xứng với mức đóng BHYT và khả năng của quỹ BHYT. Thực tế qua các lần điều chỉnh danh mục thuốc/dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả, do chưa có những nguyên tắc cụ thể, chỉ dựa trên ý kiến của các bên, hay ý kiến của ai đó... rồi cấp thẩm quyền quyết định. Vì vậy áp dụng nguyên tắc dựa trên tiêu chí khoa học sẽ công bằng, tránh bị thiên lệch bởi các yếu tố chủ quan. Thực tế có một số loại thuốc chống ung thư giá hàng mấy chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ kéo dài cuộc sống thêm thời gian tính bằng tháng..., nhưng vì có ý kiến thống thiết, làm nhiều người dễ "mủi lòng", cho nên đã đưa vào danh mục để quỹ BHYT chi trả.

Phóng viên: Vậy theo đồng chí, dự thảo Luật BHYT lần này có thể giải được bài toán vừa mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, vừa không mâu thuẫn với yêu cầu cân đối quỹ BHYT hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Dự thảo sửa đổi Luật BHYT sắp tới dự kiến sẽ đưa ra nhiều quy định mới để bảo đảm cân đối quỹ BHYT cũng như quyền lợi của bệnh nhân. Ðiểm mới đáng chú ý là quy định tổ chức BHYT được quyền kiểm tra các cơ sở KCB BHYT về việc bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, nhằm tránh tình trạng bớt xén quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng như các cơ sở KCB khuyến khích bệnh nhân sử dụng và tự chi trả các thuốc/dịch vụ y tế khác dù các dịch vụ này đã được quỹ BHYT chi trả.

Về chống lạm dụng quỹ BHYT, có nhiều biện pháp phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Với người có thẻ BHYT, việc hiện đại hóa công nghệ thông tin giúp các cơ sở KCB BHYT biết được lịch sử KCB của người có thẻ, do đó sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng. Ðối với các cơ sở KCB BHYT, nếu bị phát hiện sai phạm mang tính hệ thống trong sử dụng quỹ BHYT sẽ bị tạm dừng ký hợp đồng BHYT trong sáu tháng; đối với cá nhân người hành nghề KCB BHYT nếu bị phát hiện chỉ định KCB BHYT không hợp lý lần thứ hai sẽ bị tạm dừng thanh toán trong hai tháng…

Trên thực tế, các vụ vi phạm về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở một số cơ sở KCB cho thấy những lỗ hổng và quy định chưa hợp lý trong chính sách quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Vì vậy áp dụng nguyên lý nâng cao "sức mua chiến lược" của BHYT, dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ bổ sung nguyên tắc những thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng số lượng lớn, chi phí cao trong KCB BHYT sẽ do Chính phủ quyết định giá và áp dụng trên toàn quốc. Việc quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ KCB BHYT thuận lợi, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nguồn lực cho công tác đấu thầu của hàng nghìn cơ sở KCB...

Phóng viên: Ðã từng có tình trạng bất cập khi triển khai chính sách thông tuyến (cả tuyến huyện và tuyến tỉnh) đó là cơ sở KCB "lôi kéo" người bệnh đến KCB bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo đồng chí, vấn đề này cần được giải quyết triệt để như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Việc các cơ sở KCB BHYT thông qua các hình thức khác nhau như nâng cấp trang thiết bị, nơi tiếp đón, cơ sở vật chất, tinh thần, thái độ cán bộ, nhân viên y tế để phục vụ và thu hút bệnh nhân là điều đáng hoan nghênh. Từ khi thực hiện cơ chế bệnh viện tự chủ và áp dụng giá dịch vụ y tế mới từ năm 2016, chất lượng KCB ở các cơ sở y tế đã thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung. Ðó cũng chính là những mong muốn của Ðảng và Nhà nước cũng như yêu cầu thực thi Luật BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số cơ sở KCB BHYT áp dụng các hình thức khuyến mại, đó là vi phạm các quy định của pháp luật về khuyến mại theo Luật Thương mại. Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi đã định nghĩa rõ các hành vi: gian lận, lạm dụng quỹ, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để làm cơ sở xử lý các vi phạm pháp luật nêu trên.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật BHYT có thêm chương mới là BHYT bổ sung, đây là điểm rất mới, bởi Luật BHYT 2014 trước đây vẫn chỉ xây dựng chính sách BHYT xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện. Theo đồng chí, chúng ta có cần và đây đã là thời điểm phù hợp để triển khai thực hiện loại hình này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Chương BHYT bổ sung, đây là quy định để thể chế hóa các nội dung nêu ra trong Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng. Thực ra hiện nay có khá nhiều loại BHYT thương mại (tự nguyện) đang triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên đó là các hình thức kinh doanh vì lợi nhuận thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các quy định về BHYT bổ sung trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này chỉ mang tính nguyên tắc và hạch toán độc lập, không ảnh hưởng BHYT bắt buộc. Theo dự thảo, BHYT bổ sung là loại BHYT tự nguyện, phi lợi nhuận, do các tổ chức triển khai thực hiện (kể cả BHXH Việt Nam). Dựa trên kinh nghiệm của một số nước, quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để ngân sách trung ương/tỉnh có thể mua BHYT bổ sung để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho họ. Như ở Việt Nam, ngân sách có thể mua BHYT bổ sung cho những đối tượng đặc biệt cần chăm sóc sức khỏe như: thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ, trẻ em dưới sáu tuổi, hay nhóm dân cư cần được bảo vệ đặc biệt...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!