Lăng kính an sinh

Sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Ngày 18/11, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021, Chính phủ đã tập trung thảo luận về sáu đề nghị xây dựng các dự án luật, trong đó có hai dự án luật quan trọng, được xem là trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội là Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế.

Ngày 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021, thảo luận về 6 đề nghị xây dựng các dự án luật.
Ngày 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021, thảo luận về 6 đề nghị xây dựng các dự án luật.

Việc sửa đổi các luật này là bước đi quan trọng trong triển khai những yêu cầu về hoàn thiện thể chế đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Trung ương 4 xác định, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới; đồng thời thể chế hóa những định hướng, quan điểm, nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Với chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định: Cải cách để bảo hiểm xã hội thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân... Trong khi đó, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là hướng tới mục tiêu “thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế”... đã được nêu rõ tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Thực tế cho thấy, những năm qua, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không ngừng được hoàn thiện theo hướng phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực không ngừng của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam..., công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta đã có sự phát triển vượt bậc.

Tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 90% số dân, cơ bản đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là cơ sở để mỗi năm hàng chục triệu lượt người được bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn như hưu trí, tử tuất và ngắn hạn như chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe với tổng số tiền chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng..., góp phần bảo đảm cuộc sống cho người tham gia khi hết tuổi lao động hay trong trường hợp gặp rủi ro...

Đồng thời, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 160 triệu lượt người với tổng chi phí hơn 100 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho người dân, người lao động.

Mặc dù vậy, trên thực tế, chính sách và việc thực hiện những chính sách quan trọng này thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cũng nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề này, để chính sách đáp ứng tốt hơn mục tiêu bảo đảm an sinh cho người dân, người lao động, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

MINH ANH