Sáng tạo, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế-xã hội của nước ta vào năm 2021, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp tình hình mới. Qua đó, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Ảnh: VSS)
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Ảnh: VSS)

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong dịch Covid-19

Chiều 10/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, dự và chỉ đạo Hội nghị.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2021, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; cùng với sự nỗ lực vượt khó của mỗi công chức, viên chức, người lao động, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Đó là vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với những kết quả nổi bật.

Đến ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người dân. Tuy nhiên, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đã kịp thời ban hành, triển khai trong toàn ngành Kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng từng cấp độ dịch theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; công tác phát triển người tham gia của ngành đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tiếp tục tăng trưởng so với thời điểm hết năm 2020. Qua đó, hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.

Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của năm. Cụ thể, hơn 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).

Chuyển đổi số là nội dung trọng tâm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện quản lý hơn 16 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hơn 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tương tác thường xuyên với hơn 90% dân số, hơn 600 nghìn đơn vị, doanh nghiệp. Ngành tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong các mảng nghiệp vụ…

Trong thời gian dịch bệnh, cơ quan này đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết chế độ và chi trả (chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội… chi trả tại nhà); đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2021 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP).

Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa, hiện còn 25 thủ tục thủ tục hành chính. Ngành cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, để người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội 24/7. 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc; thông qua giao dịch điện tử và kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công tác chuyển đổi số là nội dung trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia mà Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản. Từ đó, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đến nay, đã có hơn 32 triệu lượt thông tin công dân được chia sẻ để thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, với phương châm đưa chính sách đến doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến hết năm 2021, ngành đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119,8 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho hơn 3 triệu lao động của khoảng 71 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách.

Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với số tiền hơn 7.595 tỷ đồng. Đến hết ngày 21/12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12,94 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Các thủ tục bảo đảm nhanh, đơn giản, được doanh nghiệp, người lao động đánh giá cao.

Phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian tới

Sáng tạo, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 -0
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại chương trình. (Ảnh: VSS)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương những thành tích đáng ghi nhận của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu trên. Qua đó, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội đất nước, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung thực hiện tám nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, có một số giải pháp đáng quan tâm.

Trước hết, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó chú trọng tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Trung ương; nhiệm vụ và giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa ra các giải pháp sát sao, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quan trọng hơn, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ bảo đảm chính xác, kịp thời, thuận tiện. Tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động phù hợp.

Sáng tạo, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 -0
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao tặng Bảo hiểm xã hội Việt Nam Huân chương Lao động hạng Ba. (Ảnh: VSS) 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam vì thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trao các Huân chương Lao động các hạng cho một số đơn vị, cá nhân của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020.