Sáng tạo để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

NDO -

Đến hết tháng 10/2021, tại Hà Nội có gần 60 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Kết quả này giúp địa phương sớm “cán đích”, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2021.

Trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân tại huyện Ba Vì (Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội).
Trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân tại huyện Ba Vì (Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội).

Hà Nội sớm đạt mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm

Với mục tiêu từng bước thực hiện bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động, bảo hiểm xã hội tự nguyện được coi là “tấm lưới” an sinh cho người lao động trong khu vực phi chính thức, được coi là “chiếc phao cứu sinh” của người lao động. “Chiếc phao” này thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ hàng chục nghìn lao động khi họ gặp mất việc làm, lao đao, điêu đứng trước tình trạng đứt chuỗi lao động, tạm dừng sản xuất của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc phát triển số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động ở khu vực chính thức được các tỉnh, thành phố tích cực triển khai để người dân được thụ hưởng các chính sách an sinh, được chăm sóc và hỗ trợ kịp thời khi gặp những rủi ro trong cuộc sống.

Trong chương trình trực tuyến do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phối hợp Bưu điện Hà Nội tổ chức tối ngày 12/11 với chủ đề "Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tự chủ cuộc sống”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho hay, tính đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn thành phố có xấp xỉ 60 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia đã tăng thêm hơn 8.500 người so với cùng kỳ năm 2020.

Từ kết quả này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã “cán đích” sớm, hoàn thành chỉ tiêu của Hội đồng nhân dân thành phố đưa ra với tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2021.

Hiện nay, 19/30 huyện của Thủ đô đã hoàn thành chỉ tiêu do được giao. Từ thành công đó, 3 tháng cuối năm là giai đoạn Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tích cực phối hợp triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển người tham gia theo chỉ tiêu của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong thời điểm cuối năm, Hà Nội phấn đấu bình quân mỗi xã/phường/thị trấn có 60 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy nhiên, nâng tổng số người và tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lên vẫn là bài toán nan giải trong nhiều năm qua tại hầu hết các địa phương chứ không phải riêng địa bàn Hà Nội. Vì vậy, trong năm qua, bên cạnh những giải pháp như đẩy mạnh truyền thông về chính sách, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có cách làm mới khi triển khai mô hình xã điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình từ tháng 5/20201.

Hiện nay, tất cả các quận, huyện, thị xã của Thành phố đều chọn một xã để thực hiện mô hình này. Tới tháng 9/2021, kết quả sơ kết mô hình cho thấy, tại các xã điểm, số người tham gia nhiều hơn, tỷ lệ người tham gia cũng cao hơn các địa phương khác. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá để mang lại hiệu quả tích cực mà Bảo hiểm xã hội đã đạt được, với sự tham gia của cả cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ dân phố, thậm chí là các tổ Covid cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã triển khai đại lý thu bảo hiểm xã hội, nòng cốt là bưu điện, kết hợp với các đoàn thể. Tính đến nay, địa phương có 655 đại lý và hơn 1.500 điểm thu, với khoảng 2.300 người tham gia. Với lực lượng ở khắp các phường, thị trấn, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình có thể tham gia một cách dễ dàng.

Trợ lực từ công nghệ

Nhằm tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Để giúp người dân nhận thức rõ sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cơ quan này đã đa dạng hình thức truyền thông, trong đó có các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội, livestream và công nghệ để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới đông đảo người dân.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, giải pháp căn cơ để có thể phát triển bảo hiểm xã hội phải tính tới cả nhận thức, chính sách hỗ trợ cũng như công nghệ. Giải pháp đầu tiên chính là thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu tầm quan trọng của loại hình được xem như “của để dành” khi về già. Đồng thời, bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ để người lao động yên tâm tham gia, tự tin về việc mình sẽ được hỗ trợ cả về thu nhập và chăm sóc sức khỏe, bảo đảm lợi ích cho người tham gia.

Một trong những giải pháp quan trọng được ông Bùi Sỹ Lợi đề cập là “cách mạng số”, để việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin để vận hành linh hoạt hệ thống, người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất.

Ông Lợi đưa ra những gợi mở từ hiệu quả như việc sử dụng công nghệ trên ứng dụng VssID để người dân có thể kiểm tra được mỗi ngày họ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào, hưởng ra sao, bảo lưu hay số tiền lương hưu được hưởng, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của bản thân… Những vấn đề cải cách thủ tục linh hoạt, dễ vào cuộc sống, hướng tới việc thuận tiện nhất cho người sử dụng thông qua trên ứng dụng của bảo hiểm xã hội trên điện thoại, hệ thống thông tin thông suốt... Thí dụ, trong tình hình dịch bệnh, người lao động muốn nhận trợ cấp thì hệ thống công nghệ thông tin xác nhận, không phải cần mất thời gian thông qua các thủ tục hành chính mà họ có thể nhận trợ cấp trực tiếp. Đây cũng là một hướng đề xuất để người dân có thể thụ hưởng chính sách nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực.