Quy chế mới về kiểm soát thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 88/QĐ-BHXH về việc ban hành quy chế kiểm soát thủ tục hành chính.

Thực hiện thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội huyện Tứ Kỳ, Hải Dương (Ảnh: Quốc Vinh)
Thực hiện thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội huyện Tứ Kỳ, Hải Dương (Ảnh: Quốc Vinh)

Có hiệu lực từ ngày 19/1/2021, Quy chế quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm bảy nội dung. Đó là: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; Công bố, công khai; Rà soát, đánh giá; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; Quy định về cán bộ đầu mối kiểm soát; Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát: Chế độ báo cáo kiểm soát với thủ tục hành chính.

Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các công chức, viên chức, người lao động của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cá nhân, tổ chức liên quan.

Kiểm soát thủ tục hành chính phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính; bảo đảm việc điều phối, huy động sự tham gia tích cực của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, công chức-viên chức và cá nhân, tổ chức liên quan.

Quy chế quy định năm nhóm các hành vi nghiêm cấm đối với công chức, viên chức và người lao động của cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

Thứ nhất, tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Thứ hai, từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản.

Thứ ba, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi.

Thứ tư, nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào từ đối tượng thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngoài phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai.

Thứ năm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính phải bảo đảm sáu nguyên tắc sau:
1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính.
2. Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện.
3. Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.
4. Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Phù hợp với mục tiêu quản lý và thẩm quyền giải quyết của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
6. Đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm nghiệp vụ; bảo đảm tính khoa học trong quy trình thực hiện trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch và hiệu quả của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định công bố nhằm cung cấp thông tin về thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi được ký ban hành phải được công khai đầy đủ, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ tiếp cận, dễ khai thác và sử dụng.

Định kỳ hằng năm hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội tỉnh (sau đây gọi chung là đơn vị) lập kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Tổng Giám đốc ban hành.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện thủ tục hành chính, quy định hành chính có vướng mắc, bất cập mà chưa có trong kế hoạch rà soát, đánh giá, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp các đơn vị kịp thời đề xuất Tổng Giám đốc xem xét, quyết định.

Kết quả cải cách thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2021, số lượng thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính. Giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử. Người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội 24/7. Mặt khác, 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Trong các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc; thông qua giao dịch điện tử và kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công.