Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-9-2015 về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015-2020, yêu cầu tỷ lệ bao phủ BHYT đến cuối năm 2015 phải đạt 75,4% dân số. Đến nay, độ bao phủ BHYT khoảng 74%, việc phát triển thêm khoảng 1,3 triệu đối tượng đang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành BHXH...

Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cơ quan BHXH tỉnh Hải Dương.
Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cơ quan BHXH tỉnh Hải Dương.

Nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9-2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91%. Trong đó, có tám tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số (như các tỉnh: Lào Cai và Điện Biên đạt 97,06%; Hà Giang đạt 96,71%...); có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 80% đến dưới 90% dân số; 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 70% đến dưới 80% dân số; 19 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 60% đến dưới 70% dân số; và vẫn còn đến bốn tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% dân số là Bạc Liêu (50,27%); Hậu Giang (56,2%); Kiên Giang (57,46%) và Đồng Tháp 57,6%).

Con số báo cáo từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ chưa tham gia BHYT tập trung tại các nhóm sau: Nhóm người lao động và người sử dụng lao động khoảng ba triệu người (chiếm 21,7%), trong đó chủ yếu là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Nhóm được ngân sách nhà nước đóng khoảng một triệu người (3,3%), chủ yếu tập trung ở nhóm người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn và nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo (hiện, vẫn còn hơn 50% đối tượng là người đang sinh sống tại các xã đảo chưa có thẻ BHYT). Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng một phần khoảng hơn bốn triệu người (21,9%), gồm các đối tượng: người thuộc hộ gia đình cận nghèo với khoảng 600 nghìn người chưa tham gia; học sinh, sinh viên (HSSV) với khoảng 2,1 triệu HSSV chưa tham gia; khoảng 1,5 người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT. Và hiện có tới 67,4% thuộc đối tượng tham gia theo hộ gia đình tương ứng với khoảng 16,2 triệu người không tham gia BHYT...

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Trần Đình Liệu cho biết: Đa số người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội, cho nên chưa tích cực, chủ động tham gia BHYT. Kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Một bộ phận người dân có thu nhập khác cũng không muốn tham gia BHYT, khi có nhu cầu thì đi khám chữa bệnh dịch vụ...

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng phân tích rõ nguyên nhân của việc tham gia BHYT còn thấp ở các địa phương, đó là: Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố vẫn chưa quyết liệt quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dẫn đến việc phối hợp của các Sở, ban ngành đoàn thể chưa chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; Tình trạng doanh nghiệp không đóng, trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH, BHYT diễn ra khá phổ biến (theo thống kê, có hơn 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT). Nhóm đối tượng HSSV mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng hai hoặc ba lần/năm học) nhưng vẫn còn nhiều HSSV có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình đông con, nên không thể tham gia BHYT. Đối với người thuộc hộ gia đình là nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, đối tượng này chiếm khoảng 35% tổng số hộ gia đình, mặc dù đã được cơ quan BHXH tạo thuận lợi về mặt thủ tục và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu hết người dân chưa biết đến chính sách này. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến đối tượng này, cho nên việc phát triển nhóm đối tượng ngày gặp nhiều khó khăn…

Tập trung triển khai tham gia BHYT theo hộ gia đình

Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Theo quy định của luật, từ 1-1-2015, quy định bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm mạnh so với năm 2014, do một số quy định chưa hợp lý.

BHXH Việt Nam cũng có công văn hướng dẫn về việc thu BHYT hộ gia đình đến BHXH các tỉnh, thành phố. Theo đó, đối với hộ gia đình tham gia BHYT đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1-1-2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Còn từ ngày 1-1-2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình.

Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, để tháo gỡ khó khăn với nhóm tham gia theo hộ gia đình, Bộ Y tế phối hợp BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án thực hiện BHYT hộ gia đình linh hoạt theo hướng các thành viên theo hộ gia đình đều bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, sẽ chấp nhận phát hành thẻ cho từng thành viên mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm, đồng thời, vẫn giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo...

Hiện, BHXH Việt Nam cũng có các kiến nghị với Chính phủ và đề xuất các giải pháp phát triển đối với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

* Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, trong đó đặt chỉ tiêu cụ thể cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân với tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 76%, số giường bệnh đạt 24,5 giường trên một vạn dân.