Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Quảng Bình

Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao hơn bình quân chung của cả nước. Kết quả này có được nhờ sự linh hoạt và sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành.

Bà Trần Thị Hiên (người cầm bút) nộp tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hội nghị tuyên truyền. (Ảnh PHẠM CHÍNH)
Bà Trần Thị Hiên (người cầm bút) nộp tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hội nghị tuyên truyền. (Ảnh PHẠM CHÍNH)

Theo thống kê, đến cuối tháng 5/2022, Quảng Bình đã có 33.943 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 95 người so cuối năm 2021, đạt 76% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao và đạt 8,2% so lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt gấp 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra), cao hơn khoảng 5% so tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.

Người dân xã nghèo ý thức "tích lũy" cho tuổi già

Mới sáng sớm, nhưng Hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình do Bảo hiểm xã hội huyện Quảng Trạch và UBND xã Quảng Hợp phối hợp tổ chức tại nhà văn hóa thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch) đã tập trung đông người dân và rộn ràng tiếng cười nói. Không ít người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đang háo hức đợi để xem cuốn sổ mà họ "tích lũy" như thế nào.

Là một trong những người đăng ký tham gia đầu tiên, bà Trần Thị Hiên (53 tuổi) chia sẻ: "Qua thông tin từ lãnh đạo và các tuyên truyền viên Bảo hiểm xã hội huyện, tôi thấy chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có lợi ích rất thiết thực khi người tham gia vừa có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế có mức hưởng cao, đó sẽ là chỗ dựa vững chắc khi hết tuổi lao động. Mức đóng và thời gian đóng cũng rất linh hoạt, phù hợp điều kiện của bản thân". Ngay tại Hội nghị, bà Hiên đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 5 năm liên tục với mức đóng lựa chọn là 330.000 đồng/tháng; sau khi trừ đi số tiền được Nhà nước hỗ trợ 33.000 đồng/tháng thì số tiền phải đóng là 297.000 đồng/tháng.

Chị Tưởng Thị Hoa (31 tuổi) đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được bốn năm, nhưng vẫn dành thời gian đến tham dự Hội nghị để cập nhật thông tin. Chị Hoa cho biết, gia đình có mở một quầy tạp hóa nhỏ tại nhà. Thu nhập hằng tháng thấp và bấp bênh nên khi được cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện giới thiệu, tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như một giải pháp tích luỹ, chuẩn bị cho tuổi già, hai vợ chồng đã quyết định tham gia. Hai vợ chồng chị đều đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi ngày 5.000 đồng để đóng ở mức thấp nhất là gần 140.000 đồng/tháng. Số tiền này được chị bỏ đều đặn hằng ngày vào một chú "lợn đất", cuối tháng sẽ lấy ra để đóng. Quyết tâm đó càng lớn hơn khi từ đầu năm 2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu tăng lên gần 300.000 đồng/tháng theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ nên số tiền vợ chồng chị Hoa, anh Hoàng phải tiết kiệm hằng ngày cũng tăng gấp đôi lên 10.000 đồng/người/ngày. "Tuy nhiên, cả tôi và chồng đều xác định sẽ kiên trì vì đã hiểu về lợi ích của chính sách này. Đóng ở mức cao hơn cũng giúp quyền lợi thụ hưởng lớn hơn" - chị Hoa nói.

"Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình"

Những câu chuyện từ một xã nghèo cho thấy khẩu hiệu mà ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra "Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình" đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Nguyễn Ngọc Lành cho biết, Quảng Hợp là xã khó khăn nhất của huyện. UBND xã thường xuyên phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện và các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia các chính sách này. Đặc biệt, từ năm 2021, xã không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn nên người dân không còn được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng bảo hiểm xã hội tăng do thay đổi chuẩn nghèo thì công tác này càng được tăng cường đẩy mạnh, mang lại kết quả tích cực. Năm 2020, toàn xã chỉ có 28 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến năm 2021, con số này đã tăng hơn 10 lần lên 238 người và 5 tháng đầu năm tiếp tục gia tăng…

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong những năm qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến nay toàn tỉnh có hơn 33.900 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, cao hơn 5% so bình quân chung cả nước. Điều này có được nhờ Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn phối hợp tích cực và sát sao cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, vẫn còn 91,8%, tương ứng 308.309 người chưa tham gia. Để phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Dũng cho biết: Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng, đổi mới và linh hoạt công tác tuyên truyền về cả nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng nhóm đối tượng khách hàng; tập trung vào nhóm đối tượng là tiểu thương, công nhân các khu công nghiệp, nông dân và người lao động tự do…, nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu và chủ động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.