Phạt người sử dụng lao động tới 75 triệu đồng nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 17/1, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Đoàn thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh thanh tra doanh nghiệp tại địa bành. (Ảnh: Quảng Ninh)
Đoàn thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh thanh tra doanh nghiệp tại địa bành. (Ảnh: Quảng Ninh)

Nhiều quy định mới 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 12).

Trong đó, Nghị định số 12 dành riêng chương III quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội; Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng; Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể bị phạt tới 75 triệu đồng

Nghị định số 12 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được tiền trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến.

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

Thứ nhất, không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

Thứ hai, không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Thứ ba, không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa.

Thứ tư, không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Nghị định quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có một trong các hành vi sau.

Đó là: Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà người lao động được hỗ trợ học nghề; Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Áp dụng phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động mà có hành vi tổ chức triển khai không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mặt khác, Nghị định quy định các biện pháp khắc phục hậu quả với người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp vi phạm các quy định này.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại tại một số khoản chi tiết được nêu cụ thể. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Tổ chức bị xử phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong Nghị định này bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

b) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Đơn vị sự nghiệp;

đ) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân;

e) Văn phòng thường trú của cơ quan báo chí nước ngoài, văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam;

g) Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức quốc tế liên Chính phủ, trừ trường hợp được miễn xử phạt vi phạm hành chính theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

h) Tổ chức phi chính phủ;

i) Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài;

k) Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa-xã hội.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì được coi là tình tiết tăng nặng để làm căn cứ xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/1/2022.

Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày văn bản này có hiệu lực thi hành.

Được biết, đến hết năm 2021, ngành bảo hiểm xã hội đã xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc thanh tra-kiểm tra tại 16.769 đơn vị đã phát hiện hơn 42 nghìn trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng. Số tiền phải truy thu là 127,6 tỷ đồng. Qua đó, đã thu hồi 1.852,2 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 2.537,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 73%.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng yêu cầu thu hồi 9,5 tỷ đồng về Quỹ Bảo hiểm xã hội và 0,9 tỷ đồng về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.