Lăng kính an sinh

Lấp đầy “khoảng trống” bảo hiểm xã hội

Trong những ngày tháng 5 này, cơ quan Bảo hiểm xã hội trong cả nước đang triển khai nhiều hoạt động của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Tất nhiên, không phải chỉ trong thời gian này, mà những hoạt động nhằm gia tăng diện bao phủ, hướng đến “vạch đích” bảo hiểm xã hội toàn dân đã luôn được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chú trọng thực hiện trong suốt thời gian qua.

Ảnh: Thành Đạt
Ảnh: Thành Đạt

Tại Việt Nam, ngay từ khi nước nhà giành được độc lập, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, từng bước mở rộng đến người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Đến năm 2018, với Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW), mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân đã chính thức được đưa ra, thay cho mục tiêu bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động trước đó. Đây cũng là bước cụ thể hóa quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” tại Hiến pháp 2013.

Với mục tiêu đó, những năm qua, cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Những giải pháp cụ thể mà ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai với sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đã mang lại những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn sau hai năm ứng phó với dịch Covid-19 nhưng cả nước đã có hơn 16,54 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,45 triệu người, gấp gần 250 lần so với năm đầu tiên chính sách này được triển khai (năm 2008).

Xét theo tỷ lệ, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính đến cuối năm 2021 đã chiếm xấp xỉ 33% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, tiệm cận với mục tiêu 35% theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn 1,96 điểm phần trăm so với mục tiêu. Như vậy, về tổng thể, mức độ bao phủ vẫn còn thấp so với tiềm năng cũng như mục tiêu đã đề ra.

Thực tế cho thấy, những khó khăn trong mở rộng bảo hiểm xã hội là khá rõ. Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là trở ngại trong thực hiện chính sách với người lao động thuộc các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và khu vực hợp tác xã. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, việc tuyên truyền, vận động tham gia cũng rất khó khăn đối với nhóm lao động thuộc các hộ kinh doanh cá thể; người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; lao động tại các làng nghề truyền thống; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Do vậy, để tiếp tục mở rộng, qua đó lấp đầy “khoảng trống” bảo hiểm xã hội, vấn đề cần quan tâm là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; chú trọng các hình thức, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách cũng cần hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.