Hà Tĩnh hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn do dịch Covid-19

NDO -

Sau một thời gian ngắn rốt ráo thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đã chi trả hơn 51 tỷ đồng cho hơn 21 nghìn lao động trong diện thụ hưởng. 

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh xác định hỗ trợ người lao động nhanh chóng, kịp thời.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh xác định hỗ trợ người lao động nhanh chóng, kịp thời.

Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh Bùi Hồng Nhật cho biết: Hà Tĩnh có khoảng 65.000 người lao động được hưởng chính sách từ Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, số lao động Hà Tĩnh đang quản lý là khoảng 48.000 người (chi trả 115 tỷ đồng); khoảng 17.000 lao động là đối tượng đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đang bảo lưu và lao động Hà Tĩnh đang ở ngoại tỉnh (chi trả 42 tỷ đồng). 

Tính đến ngày 22/10, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả cho 21.059 lao động (trong đó, 19.310 người lao động đang tham gia và 1.749 người lao động đã tạm dừng tham gia) với số tiền 51,2 tỷ đồng.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đang tiếp nhận và khẩn trương xử lý hồ sơ, đồng thời tích cực đôn đốc các đơn vị khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ này nhằm tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng chính sách của Chính phủ. 

Chị Trần Thị Huyền - Quản lý khách sạn Khánh Huyền (ở địa chỉ số 60, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) là một trong những lao động đầu tiên ở Hà Tĩnh tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Khi biết thông tin sẽ được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chị Huyền rất vui vì có thêm phần chi phí trang trải cuộc sống hằng ngày.  

“Sau 5 ngày kê khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ ở Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh tôi đã nhận được tiền hỗ trợ thông qua tài khoản cá nhân của mình. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời thiết thực, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn, là nguồn động viên lớn để chúng tôi yên tâm gắn bó với công việc của mình và tham gia các chương trình chính sách an sinh xã hội trong điều kiện mới”, chị Huyền chia sẻ.

Cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như bao lao động khác ở Hà Tĩnh, tuy nhiên nhờ có quá trình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nên anh Trịnh Văn Thức ở phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh đã nhận được 3,3 triệu đồng từ gói an sinh xã hội này. Anh Thức cho rằng, dù số tiền không lớn nhưng đối với các lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 thì đây là nguồn động viên kịp thời, động lực để các gia đình vượt qua khó khăn. 

“Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của Chính phủ được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mang tính nhân văn cao. Ngoài việc mang đến lợi  ích thiết thực, góp phần tái tạo sức lao động, chính sách này còn giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động và giảm bớt áp lực khi đối mặt với các khó khăn do đại dịch mang đến”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh Lê Đức Thắng cho biết. 

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh Đặng Thị Anh Hoa cho biết, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh và phải thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ, công bằng. Tính chia sẻ trong hỗ trợ này là những đơn vị đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ không được hỗ trợ nhằm chia sẻ cho những người khó khăn. 

Để triển khai chính sách hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu toàn ngành, trong đó có Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh phải tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. 

Cũng theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh, mặc dù số lượng người lao động nằm trong diện thụ hưởng lớn và yêu cầu tiến độ đặt ra trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh xác định đây vừa là trách nhiệm, vừa là “kênh” tuyên truyền, lan tỏa  những lợi ích khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nên chúng tôi đã động viên cán bộ, nhân viên trong ngành làm việc không kể ngày đêm, với phương châm “hết việc, không hết giờ” để việc chi trả tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động sớm nhất, nhanh nhất và chính xác nhất.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19