Hà Nội vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

NDO -

Ngày 18/12, Bảo hiểm xã hội Hà Nội phối hợp Bưu điện TP Hà Nội tổ chức đợt quân thứ ba trong năm nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội.

Năm nay, do diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến tận 3 tháng cuối năm, Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Bưu điện Thành phố mới tổ chức được các buổi ra quân, tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Qua hai buổi ra quân vào tháng 10 và tháng 11, chương trình đã vận động được hàng nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này cho thấy hiệu quả của các buổi ra quân tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ những lợi ích, tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn, đặc biệt những lao động tự do. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là "điểm tựa vững chắc" để người lao động tự do an tâm cho tương lai. Vì vậy, chủ đề ra quân năm nay là “Bảo hiểm xã hội tự nguyện - chỗ dựa vững chắc của người lao động tự do".

Tính đến đầu tháng 11/2021, Hà Nội có hơn 54,2 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách nhân văn, nhân đạo, hướng đến người tham gia là nông dân, người lao động khu vực phi chính thức. Mục tiêu của chính sách là thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, giúp người dân có thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, được hưởng lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Lễ ra quân là một trong những hoạt động nhằm giúp người dân hiểu đúng về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; nhất là tăng số người tham gia, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021.

Ngay sau lễ phát động, các đoàn viên, công đoàn, tư vấn viên của cơ quan bảo hiểm xã hội và Bưu điện Hà Nội đã đồng loạt xuống đường cổ động, tuyên truyền trên các tuyến phố chính. Đồng thời, chia nhóm nhỏ đến các khu dân cư, chợ, nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân nhằm gửi các thông điệp truyền thông về chủ trương của Nhà nước, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Ngày 30/11 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”.
Theo đó, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, mục tiêu đặt ra với Hà Nội là đến năm 2025, có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2030, có khoảng 65% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện tốt một số nội dung.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp với lộ trình phù hợp, nỗ lực phấn đấu bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp nhất là tại cơ sở và trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để bảo đảm an sinh xã hội; trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội; tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tự bảo đảm cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội...