Đối thoại cùng doanh nghiệp FDI, nâng cao hiệu quả phục vụ

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại Đồng Nai, nhằm cung cấp các thông tin, trao đổi, giải đáp các vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện chính sách, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp FDI nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc trao đổi thông tin tại buổi đối thoại. Ảnh: PHẠM CHÍNH
Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc trao đổi thông tin tại buổi đối thoại. Ảnh: PHẠM CHÍNH

Đóng góp hiệu quả cho công tác thực hiện chính sách

Trong những năm qua, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2019, riêng đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cả nước là 26.066 đơn vị, chiếm 6,8% so với tổng số doanh nghiệp tham gia; với tổng số người tham gia BHXH là hơn 4,7 triệu người, bằng 43,1% so tổng số người tham gia BHXH thuộc khối doanh nghiệp; với tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối doanh nghiệp; mức lương bình quân tham gia BHXH là hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,9% so mức bình quân chung của khối doanh nghiệp. 

Đến tháng 3-2021, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 26.987 đơn vị, tăng 3,53% so năm 2019 với tổng số người tham gia là 4.979.354 người, tăng 5,9% so năm 2019; mức lương bình quân tham gia BHXH, BHYT, BHTN là hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so năm 2019. Hiện, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh là những địa bàn có nguồn vốn FDI cao so với bình quân chung của cả nước, trong đó Hàn Quốc là một trong các quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là khối doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Tính riêng khối doanh nghiệp Hàn Quốc, tại Việt Nam đang có 4.559 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 1,31 triệu người (trong đó có 1,29 triệu người Việt Nam và hơn 2.000 người nước ngoài) với số thu BHXH chiếm gần 25% tổng thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc bảo đảm an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Không những góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, là động lực để doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách bền vững. 

Bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp 

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc. Để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ hai nước và trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng sẽ ký kết thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội của người lao động mỗi nước. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để sớm hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần thỏa thuận cấp cao của Chính phủ hai nước. 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, trong tiến trình hội nhập quốc tế về lao động, an sinh xã hội và dịch chuyển lao động trong khu vực, ngày càng có nhiều người lao động Hàn Quốc sang làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đến làm việc ở Hàn Quốc. Vấn đề đặt ra cho Chính phủ và doanh nghiệp hai nước là làm sao bảo đảm tốt nhất quyền lợi, chế độ an sinh xã hội cho người lao động mỗi nước khi đi làm việc ở nước ngoài. Tại hội nghị đối thoại này, BHXH Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; sẵn sàng giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thủ tục hành chính theo thẩm quyền của BHXH Việt Nam; đồng thời cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho cả người lao động tại doanh nghiệp FDI và người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. 

Chia sẻ tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, trong nhiều năm liền, Hàn Quốc luôn ở trong danh sách các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2021 đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có đăng ký đầu tư mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,05 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đã và đang thu hút, sử dụng một số lượng lớn người lao động Việt Nam. Cùng với việc chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã quan tâm chăm lo, bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội đối với người lao động thông qua thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, VCCI đã phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức khảo sát doanh nghiệp FDI về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BHTN.  Cùng những nội dung thu được tại buổi đối thoại này, BHXH Việt Nam sẽ có được nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng  phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, góp phần đầu tư sản xuất và kinh doanh ngày càng thành công.

Đồng thời, để hỗ trợ, phục vụ tốt hơn nữa các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, tại sự kiện đối thoại, BHXH Việt Nam cũng ra mắt phiên bản tiếng Hàn Quốc của ứng dụng VssID - BHXH số. Phiên bản này hướng tới người sử dụng là các chủ sử dụng lao động, các chuyên gia và người lao động Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID, từ đó tạo sự lan tỏa rộng khắp đến các cấp quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.