Chuyển đổi số vì lợi ích của người dân

Ngày 27/4, phát biểu tại Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với ba trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai trương Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin năm 2017. (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai trương Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin năm 2017. (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác này và đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Với phương châm lấy người dân là trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam...

Là ngành phục vụ, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho hơn 90% số dân cả nước, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ý thức rất rõ nhiệm vụ quan trọng này. Trên cơ sở những định hướng của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ cho người dân.

Riêng trong những tháng đầu năm nay, bên cạnh việc duy trì, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung thực hiện hiệu quả những nội dung liên quan trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; từng bước hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và đặc biệt là phối hợp triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp tục phối hợp Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến ngày 25/4/2022, hệ thống đã xác thực được khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu; cung cấp, chia sẻ hơn 33 triệu lượt thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp kỹ thuật từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy trong việc làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ đầu tháng 3/2022, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân và các cơ sở y tế đánh giá cao về sự thuận lợi…

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia về liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp… Tiếp tục rà soát, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của năm dịch vụ công trong tổng số 25 dịch vụ công thuộc Đề án 06…

Dù chưa thống kê hết, nhưng có thể thấy đây là khối lượng công việc khổng lồ và điều đặc biệt là những công việc đó đã được triển khai đạt kết quả cao, mang lại nhiều thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách. Đây không chỉ là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số, xã hội số…, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.