Bảo đảm người lao động sớm nhận được hỗ trợ, ổn định cuộc sống

NDO -

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm cho các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng nặng nề. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã khẩn trương triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả các nghị quyết và quyết định của Chính phủ nhằm sớm đưa tiền hỗ trợ đến tận tay người lao động

Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum tìm hiểu về Nghị quyết 116 và Quyết định 28 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum tìm hiểu về Nghị quyết 116 và Quyết định 28 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trước tình hình các doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm chia sẻ những khó khăn đối với người lao động bị mất thu nhập cũng như đơn vị sử dụng lao động bị dừng hoạt động. Phát huy vai trò của Quỹ thất nghiệp, là chỗ dựa, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói chung và Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum nói riêng đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động, các sở ban, ngành có liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum… triển khai ngay nội dung này.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cầu đường Newsun, cho biết, vừa rồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nắm bắt được thông tin có sự hỗ trợ của Chính phủ, BHXH tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ rất nhiều để công ty được biết và giải quyết các thủ tục nhanh chóng giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất… Từ đó giảm bớt áp lực cho công ty, dồn tiền vào tái cơ cấu công ty để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, ổn định đời sống người lao động.

Bảo đảm người lao động sớm nhận được hỗ trợ, ổn định cuộc sống -0
 Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum hướng dẫn, giải thích cho người lao động về Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ thất nghiệp mà ngành đang quản lý, thì Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã tổ chức quán triệt tinh thần nội dung, các hướng dẫn từ trung ương cho toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị nắm được quan điểm, chủ trương để thực hiện, bảo đảm theo đúng yêu cầu đề ra.

Trên cơ sở hướng dẫn quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động nhằm xác định đối tượng người lao động, đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp. Sau đó, Bảo hiểm xã hội lập danh sách các đơn vị sử dụng lao động và số lượng lao động để gửi cho các đơn vị sử dụng lao động biết đơn vị mình bao nhiêu người được hưởng chính sách này.

Đồng chí Võ Công Đức, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết, khi đơn vị sử dụng lao động gửi danh sách người lao động được hưởng trợ cấp lên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum tập trung rà soát và xác định lại thời gian đóng của người lao động để tính ra thời gian đóng cho chính xác vì thời điểm đóng liên quan đến mức chi trả. Hiện nay, mức chi trả chia ra làm 6 mức với mức thấp nhất là 1,8 triệu đồng, tương đương thời gian đóng bảo hiểm là dưới 12 tháng; mức cao nhất là 3,3 triệu tương đương với mức đóng bảo hiểm là 138 tháng trở lên. Do đó, vấn đề rà soát thời gian đóng thất nghiệp của người lao động là hết sức quan trọng. Bảo hiểm xã hội tỉnh xác định, phải làm sao rà soát một cách nhanh nhất để tiền trợ cấp đến với người lao động nhưng phải bảo đảm chính xác, công bằng, công khai minh bạch.

Sau khi rà soát, trên cơ sở các đơn vị đóng vào quỹ thất nghiệp trên địa bàn, tỉnh Kon Tum có khoảng 900 đơn vị thuộc diện được hỗ trợ từ nguồn này tương ứng với khoảng hơn 20 nghìn lao động được hưởng hỗ trợ. Về mức hưởng đối với đơn vị sử dụng lao động hơn 900 đơn vị mức hỗ trợ giảm đóng từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là khoảng 10 tỷ đồng, còn đối với hơn 20 nghìn lao động sẽ hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng.

Anh Đặng Minh Sỹ, nhân viên phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần cầu đường Newsun, tâm sự: Ảnh hường của dịch Covid-19 nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, anh được hỗ trợ 2,9 triệu đồng. Số tiền trên đã giúp gia đình anh xoay xở vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc hỗ trợ này rất kịp thời và nhanh chóng, sau khi công ty đăng ký lên Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum khoảng 6 ngày thì tiền hỗ trợ được chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của anh.

Còn với chị Nguyễn Thị Thùy Linh, số tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 116 của Chính phủ là vô cùng quý giá. Chị Linh cho biết, chị ở tại quận 6, TP Hồ Chí Minh, làm cho Công ty Global Fashion đóng tại TP Hồ Chí Minh. Khi dịch Covid-19 xảy ra, công ty cơ cấu lại nhân sự nên chị về Kon Tum kiếm công việc khác sống qua ngày. Sau khi biết nhà nước có hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị đã liên hệ với Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum nhờ giúp đỡ.

“Các chị bên Bảo hiểm xã hội Kon Tum giúp đỡ tôi rất nhiệt tình, hướng dẫn tôi cài app của Bảo hiểm xã hội rồi vào mục đăng ký hưởng chế độ Nghị quyết 116 của Chính phủ. Tuy bảo hiểm xã hội của tôi tại TP Hồ Chí Minh nhưng sau khi đăng ký, khoảng 10 ngày sau là tôi nhận được tiền hỗ trợ vào tài khoản cá nhân. Tôi được hưởng 2,1 triệu đồng vì có mức đóng bảo hiểm 1 năm trở lên. Tôi rất vui mừng vì khoản tiền trên đã giúp tôi trang trải cuộc sống trong lúc này để tôi yên tâm tìm kiếm công việc mới. Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã hỗ trợ đúng lúc tôi và nhiều người lao động gặp khó khăn nhất”, chị Linh chia sẻ.

Đến nay, qua 1 tháng triển khai, BHXH tỉnh Kon Tum đã thực hiện xong việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% trong 12 tháng cho đơn vị sử dụng lao động và chi trả cho 16.226 lao động với số tiền hơn 40 tỷ đồng, trong đó có 15.094 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và 1.132 người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.