Bệ phóng hoàn hảo

Việc tổ chức thành công SEA Games 31 vượt xa ý nghĩa của một sự kiện thể thao đơn thuần, khẳng định nỗ lực hoàn thành trách nhiệm cao nhất của Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á.

SEA Games 31 khép lại thành công. Ảnh: Thành Đạt
SEA Games 31 khép lại thành công. Ảnh: Thành Đạt

Như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, sau thời điểm bị hoãn vào tháng 11 năm ngoái, nhiều đoàn bạn dù ủng hộ song vẫn lo lắng "nước ta khó có thể tổ chức thành công Đại hội". Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cộng thêm khối lượng công việc khổng lồ cần phải được triển khai gấp rút trong thời gian ngắn là những trở ngại không dễ để vượt qua.

Vậy nhưng, SEA Games 31 đã khép lại thành công một cách toàn diện, đặc biệt ở khâu tổ chức, khi so sánh với các sự kiện thể thao quốc tế. Olympic Tokyo 2020 phải áp dụng mô hình "bong bóng khép kín". Thậm chí, Asian Games 2022 ở Hàng Châu (Trung Quốc) còn mới đưa ra thông báo tạm hoãn vì dịch bệnh.

Việt Nam không chỉ hoàn thành kỳ SEA Games 31 an toàn, chu đáo, bảo đảm đúng lịch trình, chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế mà còn thật sự nâng tầm đấu trường thể thao khu vực thông qua chương trình thi đấu "chuẩn Olympic" hiếm có, với những cuộc tranh tài trung thực, sòng phẳng, mang đúng tinh thần fair-play. Nạn xử ép, hiện tượng khiếu nại kết quả hay tranh cãi thành tích… gần như không xảy ra. Thậm chí, cá nhân duy nhất bị Ban Tổ chức tước huy chương chính là một tuyển thủ điền kinh Việt Nam với lỗi sử dụng giày thi đấu không đạt tiêu chuẩn.

Trong điều kiện "bình thường mới", Việt Nam đã tạo nên sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Các khán đài và địa điểm thi đấu ở khắp 12 địa phương đăng cai đều luôn đầy ắp khán giả. Bầu không khí lễ hội đầy sức hút đã lan tỏa từ lễ khai mạc, các trận đấu bóng đá, tới cả những bộ môn không mấy quen thuộc với người hâm mộ như nhảy cầu, đua thuyền...

"Dấu ấn lớn nhất, mang tính kết đọng cho thành công toàn diện với nhiều đột phá của SEA Games 31 chính là đã "giải cơn khát" cho cả vận động viên và người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt sau hai năm bị đình trệ bởi dịch bệnh. Đây là điều đáng tự hào, khi nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn không có được", chuyên gia thể thao kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hàng nghìn cổ động viên quốc tế vừa kết hợp cổ vũ cho đội tuyển quê hương vừa tranh thủ thời gian du lịch cũng tạo nên nét đặc sắc tại SEA Games 31. Trưởng đoàn thể thao Campuchia Sokvisal Nhan, đã bày tỏ niềm vui khi Việt Nam tạo nên một kỳ Đại hội đặc biệt thành công, và vô cùng cảm kích với sự chu đáo của Ban Tổ chức cùng tình cảm ấm áp của người dân nước chủ nhà.

Vượt xa ý nghĩa của một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, việc tổ chức thành công SEA Games 31 khẳng định nỗ lực hoàn thành trách nhiệm cao nhất của Việt Nam với "đại gia đình" thể thao Đông Nam Á, đồng thời chứng minh hiệu quả của công tác phòng, chống dịch ở nước ta. Sự quan tâm chăm lo, những chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, cùng việc triển khai công tác chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, trong đó có cả các phương án dự phòng đã giúp Đại hội diễn ra thuận lợi, an toàn. Ban Tổ chức cùng 12 địa phương đăng cai đã phát huy lợi thế về nhân lực, cũng như tận dụng tối đa hệ thống cơ sở vật chất sẵn có để sẵn sàng cho một kỳ SEA Games đặc biệt trên sân nhà.

Tham dự SEA Games 31, Việt Nam cử lực lượng hùng hậu chưa từng có với gần 1.000 tuyển thủ dự tranh 523 nội dung của đủ 40 môn, với mục tiêu đứng thứ nhất toàn đoàn. Chung cuộc, chúng ta đã giành được 205 huy chương vàng (chiếm 39%), bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai tới 113 huy chương vàng, đồng thời vượt qua thành tích của Indonesia cách đây 25 năm để xác lập kỷ lục mới về số huy chương vàng một quốc gia đạt được tại một kỳ Đại hội tính riêng số môn Olympic, chúng ta giành tới 115 huy chương vàng.

Đặc biệt hơn cả, trong số 40 môn, Việt Nam giành "vàng" ở 34 môn, dẫn đầu ở 21 môn. Trong đó, phải kể tới ngôi nhất tuyệt đối của điền kinh với 22 lần đăng quang, cùng hai chức vô địch ấn tượng của bóng đá nam và nữ. Thiếu siêu kình ngư Ánh Viên, bơi Việt Nam vẫn giữ vững thành tích 11 huy chương vàng, chỉ xếp sau cường quốc Singapore.

Theo chuyên gia Lâm Quang Thành, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, các vận động viên của ta có thực lực và đủ khả năng tranh chấp sòng phẳng ở hàng loạt các môn thi đấu. Sau kỳ SEA Games năm 2003, chúng ta luôn giữ vững vị trí trong top ba toàn đoàn. Trên thực tế, Việt Nam và Thái Lan là hai nước mạnh nhất ở đấu trường thể thao khu vực. Với tư cách chủ nhà, chúng ta đã tham dự tối đa các môn, nội dung với số lượng vận động viên đông nhất có thể. Quan trọng hơn cả, trong suốt hai năm qua, hàng nghìn tuyển thủ đã miệt mài luyện tập, với quyết tâm cao độ cùng nhiều cách làm sáng tạo và linh hoạt nhằm vượt "bão" Covid-19 thành công.

Với thắng lợi toàn diện của SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã có được bệ phóng và nền tảng hoàn hảo để hướng tới những đích nhắm cao hơn, chinh phục đỉnh cao ở đấu trường châu lục hay sân chơi Olympic.