Bẫy lừa đảo việc nhẹ lương cao

Chỉ đến khi thấy mình bị “đá” khỏi nhóm làm việc, chị Nguyễn Thị Vân Anh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) mới tá hỏa nhận ra mình đã bị lừa. Đăng ký làm nhân viên chốt đơn cho sàn thương mại điện tử, tưởng tìm được công việc tăng thêm thu nhập, chị vướng luôn vào bẫy hết sức tinh vi của nhóm lừa đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Bẫy lừa đảo việc nhẹ lương cao

“Đừng chuyển tiền, dù chỉ một nghìn”

Toàn bộ số tiền 141 triệu đồng, chủ yếu đi vay của bạn bè, hoàn toàn biến mất cũng chỉ vì tin vào bẫy “việc nhẹ lương cao”, chị Vân Anh cay đắng tổng kết lại kinh nghiệm cho toàn bộ quá trình bị đưa vào tròng, sập bẫy lừa đảo khi đi tìm việc cách đây bốn tháng. Tin vào lời quảng cáo công việc dễ dàng, lương cao, ngồi nhà mà vẫn có thể kiếm vài trăm tới vài triệu đồng mỗi ngày, không giới hạn độ tuổi, kỹ năng hay học vấn, chị lập tức liên hệ với người đăng tuyển và được dẫn tới một nhóm chát Zalo.

Một tài khoản ảo phuongnguyen cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada. Hằng ngày, chị sẽ phải chuyển tiền để chốt đơn. Số tiền ứng trước ấy sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 đến 30% giá trị đơn hàng. Ban đầu những đơn hàng giá trị thấp, 50 nghìn - 100 nghìn đồng được hoàn lại rất nhanh. Chị Vân Anh càng tin tưởng vào công việc. Khi số tiền mua lên tới 91 triệu đồng, người hướng dẫn cho biết do có lỗi trên hệ thống thanh toán nên tiền chưa rút ra được. Để nhận được tiền gốc và hoa hồng, chị phải nộp thêm

30 triệu đồng. Tiếc khoản tiền lớn của mình, chị vẫn làm theo hướng dẫn. Sau ba lần chuyển khoản, tài khoản vẫn im bặt. Cả nhóm làm việc và tài khoản hướng dẫn hoàn toàn biến mất, cùng với khoản tiền 141 triệu đồng.

Nguyễn Tuấn Anh (Trường đại học Hà Nội) cho biết, mình suýt rơi vào lưới của bọn lừa đảo với chiêu thức tuyển dụng rất tinh vi, với nội dung tuyển dụng “bắt trend” với giới trẻ. Kẻ lừa đảo đăng tuyển dụng dưới hình thức tuyển cộng tác viên dịch thuật tiếng Pháp, với yêu cầu hấp dẫn như: không cần trình độ ngoại ngữ cao (có thể dùng google để dịch thuật), mỗi ngày làm việc hai đến ba tiếng có thể kiếm mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, không có yêu cầu công việc, công việc chính là dịch đơn hàng của các thương hiệu lớn của Pháp. Khi con mồi gửi bản dịch, người tuyển dụng bắt đầu dụ dỗ vào mê cung lừa đảo chúng tự thiết kế ra: để nhận được tiền công dịch, Tuấn Anh sẽ phải đăng nhập vào đường link và thanh toán hóa đơn vừa dịch với lời hứa sẽ được hoàn trả thêm 10% giá trị đơn hàng. Thấy hóa đơn lên tới

100 USD, Tuấn Anh bèn gọi cho bộ phận nhân sự công ty và được biết rằng hiện công ty không hề có công việc như vậy…

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và được thiết kế rất hợp với xu hướng để dễ dụ con mồi như: xem tiktok, xem YouTube, hoặc chỉ cần bình luận theo con số từ 1 đến 20… sau đó chuyển tiền “cọc” để nhận lương. Thậm chí sau khi Vân Anh chia sẻ kinh nghiệm bị lừa đảo cảnh báo trên mạng xã hội, có hàng chục nick ảo tiếp cận dụ dỗ: có thể giúp truy vết kẻ lừa đảo và đòi lại tiền. Với điều kiện: chị tiếp tục chuyển khoản số tiền cọc. Không ít người vì tiếc khoản tiền lớn đã mất, lại tiếp tục rơi vào ma trận của nhóm lừa đảo.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2021, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có hơn 520 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Tội phạm mạng lợi dụng không gian mạng, sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng, để thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho thấy, đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 96 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 12,9% so năm 2019. Đáng chú ý là từ đầu tháng 5/2022 đến nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra chín vụ, tăng bảy vụ (350%) so thời gian liền kề trước đó.

Số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong khoảng nửa đầu tháng 7, trung bình mỗi tuần có gần 300 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam thông báo về qua hệ thống tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử như shopee.nhanqua.online,vn-dienmayxanh.com/sua-tu-lanh-tai-nha-hcm, suachuadienmayxanh.com.vn/sua-may-lanh…

- Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an TP Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;

+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/

- Với người dân tại TP Hồ Chí Minh: Gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508.