Xứ hoa, cây kiểng Bến Tre vào xuân

Huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) được  mệnh danh là “vương quốc” hoa, cây kiểng của tỉnh khi mỗi năm cung ứng hàng triệu sản phẩm cho khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, người dân vẫn sản xuất các loại hoa truyền thống phục vụ thị trường Tết. 

Bà Trần Thị Thu Hương, ngụ xã Phú Sơn chăm sóc hoa chuẩn bị bán Tết.
Bà Trần Thị Thu Hương, ngụ xã Phú Sơn chăm sóc hoa chuẩn bị bán Tết.

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường lớn, nhỏ tại các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Long Thới, Hưng Khánh Trung B… của huyện Chợ Lách sẽ bắt gặp rất nhiều ruộng hoa đang hé nụ, chuẩn bị khoe sắc. Năm nào cũng vậy, gần Tết là người dân làng sản xuất hoa, cây kiểng lại tất bật chăm sóc những công đoạn cuối cùng để giao cho thương lái hay trực tiếp mang ra chợ bán. Năm nay, sản lượng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng người dân trồng hoa rất phấn khởi vì vừa trúng mùa lại được giá. 

Bên giàn cúc mâm xôi mới hé nở những cánh hoa mầu vàng, lão nông Lê Văn Bé (ngụ xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) khoe: “Do dịch bệnh, tôi giảm phân nửa sản lượng so năm rồi vì sợ bán không được. Tuy nhiên, gần đến Tết do sản lượng ít nên giá lên từng ngày. Tôi mới bán hôm trước cho thương lái có 180 nghìn đồng/cặp mà nay đã lên 250 nghìn đồng/cặp. Tuy tiếc nhưng cũng rất vui vì giá đã cao hơn năm rồi, lợi nhuận cũng kha khá để ăn Tết”. Trồng hoa bán Tết hơn chục năm nhưng chỉ năm nay gia đình ông Bé giảm lượng xuống giống do sợ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thương lái sẽ không mua vì các chợ hoa ngày cận Tết không biết có mở cửa hay không. Hiện tại, gần 600 chậu cúc mâm xôi của gia đình ông đã được thương lái đặt cọc mua và khoảng 500 giỏ vạn thọ đang được chăm sóc cẩn thận để bán những ngày tới.

Phía bên kia sông, gia đình bà Trần Thị Thu Hương cũng vui mừng không kém vì bán được hoa, có lời vài chục triệu để sắm Tết. Bà Hương cho biết: “Năm nay liều trồng 1.200 chậu cúc mâm xôi, 200 chậu vạn thọ, 500 chậu cúc Đài Loan, 200 chậu mào gà mà ông chồng cự nự quá trời vì sợ dịch bệnh không ai mua. Nào ngờ, năm nay ít người trồng nên trúng mùa, trúng giá nên mừng quá chừng. Hiện tại, hầu hết cúc đã được thương lái đặt cọc mua. Dự kiến sẽ bán được 150 triệu đồng, trừ đi chi phí, nhân công lãi khoảng 75 triệu đồng để ăn Tết”. Ruộng hoa của gia đình bà Hương ngay cạnh những lò gạch bỏ không những ngày này hoa đang khoe sắc nên trở thành điểm đến lý tưởng của du khách để chụp ảnh, tham quan.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, hiện tại có khoảng 60% nông dân đã bán được hàng cho thương lái để vận chuyển đến các chợ trong khu vực bán những ngày giáp Tết. Số lượng còn lại, người dân đang thương lượng giá để tiếp tục bán cho thương lái, hoặc tự chở ra chợ Tết bán tận tay người tiêu dùng. Do năm nay sản lượng hoa giảm, nhiều nông dân hy vọng đến cận Tết Nguyên đán giá sẽ còn cao hơn nữa.

Mấy năm gần đây, người dân ở làng hoa kiểng Chợ Lách kết nối thương lái để đưa sản phẩm đi xa hơn, nhiều sản phẩm ra tận các tỉnh, thành phố phía bắc. Bà Trần Ngọc Hân, ngụ xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách) cho biết: “Gia đình tôi năm nào cũng làm khoảng 10 nghìn cây mai ghép loại nhỏ để bán Tết. Năm nay, gần đến Tết thương lái đã đặt mua gần hết. Tôi đang tuyển chọn, hoàn tất công đoạn tỉa lá, sơn chậu để giao cho thương lái kịp chở ra Hà Nội tiêu thụ”. Theo bà Hân, sản phẩm mai Tết không sợ ế hàng, vì năm nay bán không được sẽ đem về dưỡng lại để năm sau bán tiếp sẽ có giá cao hơn nữa. Những năm gần đây, nhiều thương lái ở nơi xa đến mua hàng chuyển ra các tỉnh miền trung, thậm chí ra bắc để tiêu thụ.

Những ngày giáp Tết, ông Ba Huyến (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) thường mang các chậu hoa mai ra lề đường bán. Năm nay, ông tung ra thị trường 200 chậu mai cỡ vừa bán với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/chậu. Mới mang ra mấy ngày đã bán được mấy chục chậu, số còn lại nếu gần Tết bán không hết sẽ mang qua chợ hoa tại tỉnh Trà Vinh để bán tiếp. Ông Huyến cho biết: “Trước đây, tôi làm mai ghép, giờ chuyển sang mua mai tàng về dưỡng lại rồi đợi đến Tết bán. Năm nào tôi cũng đặt sạp bên chợ hoa tỉnh Trà Vinh để bán. Năm nay dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên ai cũng dè chừng mang ra chợ số lượng khá ít. Số còn lại dưỡng lại trong vườn để bán những năm sau”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: “Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vụ xuống giống cúc mâm xôi ngay thời điểm tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều hộ trồng hoa ngại xuống giống vì lo sợ không có đầu ra. Sản lượng vì vậy chỉ khoảng 6 triệu sản phẩm (giảm 2 triệu sản phẩm so mọi năm). Đến thời điểm hiện tại, đa số người trồng hoa đã bán được cho thương lái với giá khá cao nên nông dân rất phấn khởi. Trong đó, nhiều loại sản phẩm hoa, cây kiểng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Càng đến những ngày cận Tết, hầu hết người dân đã bán sản phẩm hoa, cây kiểng cho thương lái để vận chuyển ra các chợ bán Tết. Một số hộ chấp nhận rủi ro vận chuyển hoa, cây kiểng mình mang ra chợ bán trực tiếp cho khách với mong muốn được giá cao hơn. Sau Tết, họ lại tiếp tục chuẩn bị hạt giống, phân bón để sản xuất cho vụ Tết năm sau.