Tự tin vươn khơi

Thông thường, một chiếc tàu ra khơi khai thác hải sản, tiền nhiên liệu chiếm tới 70% tổng chi phí. Từ tháng 3 đến nay, giá các loại dầu giảm kỷ lục trong vòng 11 năm qua, nên ngư dân Quảng Bình rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Bình. Ảnh: YẾN NHI
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Bình. Ảnh: YẾN NHI

Chuyến biển giảm gần 40% chi phí

Sáng tinh mơ, về xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), chúng tôi được chứng kiến cảnh ngư dân tấp nập đưa cá, mực vào bờ với nét mặt tươi vui. Toàn xã có hơn 100 tàu, thuyền khai thác gần bờ chuyên khai thác mực, cá nục, cá trích. Mỗi chuyến ra khơi thu về hàng yến, có khi cả tạ hải sản, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Ngư dân Phạm Tân cho biết, mấy hôm nay biển lặng, sương nhiều nên các nghề khai thác gần bờ dễ dàng. Công việc thường bắt đầu từ khoảng 4 giờ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, tàu thuyền cập bãi mang về nhiều loại hải sản tươi ngon. Ở đó, thương lái đưa xe ô-tô tận bãi biển để mua nên có bao nhiêu hải sản họ mua bấy nhiêu.

Bên chân sóng, ngư dân Lê Phong trải lòng, ông và người em trai cùng chung một chiếc tàu cá 40CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến ra khơi (từ 16 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), tàu cá của ông tiêu thụ gần 100 lít dầu. Nếu trước đây, mỗi đêm đánh bắt, riêng tiền dầu tốn hơn một triệu đồng, thì hiện nay chỉ khoảng 650 nghìn đồng. Vì vậy, theo ông Phong, mặc dù biển bãi ngang năm nay chưa nhiều hải sản như các năm nhưng nhờ tiền dầu giảm và cá, mực bán được giá nên mỗi đêm ra khơi, anh em họ cũng kiếm được hơn một triệu đồng mỗi người. Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Nguyễn Văn Nghị cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, ngư dân vùng bãi ngang có thu nhập khá cao từ các nghề khai thác gần bờ. Giá dầu giảm mạnh trong khi giá hải sản ổn định đã giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19.

Một sáng đầu tháng 5, chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất 700CV chuyên nghề mành chụp của ngư dân Lê Quang Nam ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cập bến sông Roòn, bán mẻ hải sản thu hơn 400 triệu đồng. Ông Nam cười vui: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hải sản có hạ chút ít nhưng nhờ giá dầu giảm sâu, sản lượng đánh bắt đạt khá nên chuyến biển của chúng tôi vẫn có lãi. Sau khi trừ các chi phí, bảy lao động trên tàu được chia bình quân hơn 10 triệu đồng/lao động”. Ông Nam nói thêm, trước đây mỗi lần nhổ neo ra khơi, tàu của ông phải bơm hàng vạn lít dầu, cùng với các chi phí khác lên tới 100 triệu đồng thì hiện tại số tiền này chỉ còn khoảng 60 triệu đồng. Với một chiếc tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản, chi phí tiền dầu chiếm đến 70% tổng chi phí. Giá dầu giảm từ 17 nghìn đồng/lít xuống còn 10 nghìn đồng/lít, kéo theo những chi phí liên quan đến nghề biển như: nước đá, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo, từ đó giúp mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được khoảng 40% chi phí.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển

Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, đồng thời để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, tỉnh Quảng Bình đã tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài hơn 15 m và dưới 24 m trước ngày 1-4-2020. Đáng mừng là, ngư dân trong tỉnh đã tự giác lắp đặt thiết bị GSHT cho gần 1.000 tàu cá (tỷ lệ hoàn thành 75%, cao hơn mức bình quân cả nước). Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình nhận xét, thiết bị GSHT giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động của tàu cá từ vùng lộng ra vùng khơi, như hành trình và vị trí của tàu, nhật ký khai thác. Đồng thời, thông tin từ thiết bị này còn là căn cứ để cơ quan chức năng thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khi mua bán.

Thiếu tá Phan Quang Thành, Đồn phó Biên phòng Nhật Lệ cho biết thêm: “Việc lắp đặt thiết bị GSHT không những giúp tàu cá nước ta tránh vi phạm chủ quyền vùng biển nước khác mà còn góp phần bảo vệ an ninh biên giới trên biển. Bởi khi ra khơi, chúng tôi cũng căn dặn ngư dân ngoài việc đánh cá cần theo dõi tình hình an ninh trên biển. Nếu phát hiện trường hợp tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền biển nước ta, cần báo ngay cho chúng tôi để có biện pháp xử lý. Trong trường hợp tàu gặp sự cố, gió bão trên biển, chúng tôi dễ dàng xác định được vị trí để đề nghị lực lượng cứu hộ chuyên trách hoặc thông báo các tàu cá khác ở gần đó đến ứng cứu”.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Theo đó, các địa phương thông báo công khai lịch cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân, thuyền viên để làm thủ tục nhận, góp phần giải quyết khó khăn trong thời gian do dịch bệnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển…

“Tỉnh Quảng Bình hiện có 5.732 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó gần 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 24.000 lao động trực tiếp trên biển. Vụ cá bắc 2019 - 2020, sản lượng khai thác của tỉnh đạt gần 25.000 tấn. Hiện nay, ngư dân trong tỉnh đang bước vào vụ cá nam với nhiều thuận lợi do giá dầu giảm sâu, trong khi giá thủy sản đã bắt đầu tăng trở lại”.