Cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Tránh “vàng, thau lẫn lộn”

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố danh sách tám trường đại học được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và 176 đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến nay, đã có tám đơn vị trên cả nước đủ điều kiện được cấp chứng chỉ Khung năng lực Ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đến nay, đã có tám đơn vị trên cả nước đủ điều kiện được cấp chứng chỉ Khung năng lực Ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cầu và cung

Vài năm gần đây, yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chuyển ngạch hoặc bổ nhiệm... Đây cũng là yêu cầu cơ bản trong hồ sơ xin việc hoặc thi tuyển viên chức, công chức... Vì thế, nhu cầu thi để có chứng chỉ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều.

Em Nguyễn Văn Chiến, vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, trong quá trình làm hồ sơ xin việc, em đã liên hệ tới một trung tâm có địa chỉ tại phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân và được biết mức lệ phí cấp chứng chỉ tin học là 1.100.000 đồng/người; thời gian tổ chức thi vào thứ bảy hằng tuần và được cấp chứng chỉ sau từ bốn đến bảy ngày. Nếu muốn có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A2 theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc, chỉ cần đăng ký trực tuyến để được xếp vào đợt thi cuối tháng 6 này, thời gian nhận chứng chỉ chậm nhất là hai tuần sau khi thi. Mặc dù phía trung tâm cam kết chứng chỉ là thật, song em vẫn hoang mang, chưa dám đăng ký.

Theo bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép đào tạo, bồi dưỡng, nhưng chỉ có bốn trung tâm được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, gồm: Trung tâm Tin học cộng đồng, Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học E.Future và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Estih.

Đề cập công tác quản lý các trung tâm, bà Nguyễn Thị Diệp Hồng cho rằng, về cơ bản các đơn vị đều hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn có nơi, có chỗ cố tình làm sai quy định. Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn liên ngành để tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, song do số lượng các trung tâm ngày càng nhiều và phát triển nhanh, nên việc kiểm soát các hoạt động vẫn còn khó khăn.

Công khai, minh bạch và giám sát

Thực tế nêu trên đòi hỏi công tác quản lý phải được tiếp tục tăng cường nhằm kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, không để “vàng thau lẫn lộn”, khiến người học rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Để giúp người học có căn cứ lựa chọn địa chỉ có tính pháp lý, mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách tám trường đại học được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và 176 đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Là một trong những đơn vị được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, Trường đại học Hà Nội sẽ tổ chức thi đợt đầu tiên vào ngày 6-7-2019. TS Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội khẳng định, công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, công bằng. Mọi thông tin về kỳ thi đều được công khai để thí sinh có thể tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đăng ký.

Với kinh nghiệm của một đơn vị đã tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin từ năm 2016 với số lượng hằng năm từ 2.000 thí sinh đến 3.000 thí sinh, ông Phạm Ngọc Bằng, Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ, Trường đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, đơn vị đã tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến bằng cách cung cấp miễn phí các bài tập trực tuyến và khuyến khích học viên tham gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng trước kỳ thi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng và có thước đo chung về chất lượng, Bộ GD&ĐT cần sớm trang bị phần mềm sát hạch dùng chung, đồng thời tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành ngân hàng đề thi chuẩn quốc gia để các trung tâm áp dụng theo mô hình thống nhất.

Nhằm chấn chỉnh việc dạy học ở các cơ sở, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học nhằm đưa hoạt động đào tạo này vào nền nếp. Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Các trung tâm tin học, ngoại ngữ phải tuân thủ nghiêm túc quy chế công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT như đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Theo đó, các trung tâm phải công khai và có trách nhiệm giải trình các nội dung: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện bảo đảm chất lượng và công tác thu - chi. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoạt động của các trung tâm để kịp thời chấn chỉnh sai phạm; đồng thời công khai các thông tin xử lý sai phạm để người học nắm được, hạn chế thấp nhất những rủi ro gặp phải.

Hằng tháng, Sở GD&ĐT đều cập nhật, công khai danh sách các trung tâm tin học, ngoại ngữ được cấp phép (gồm địa chỉ, người đứng đầu, số điện thoại, thời hạn giấy phép) tại Cổng thông tin điện tử của sở, có địa chỉ: http://sogd.hanoi.gov.vn. Ngoài ra, để có thông tin về các cơ sở được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trên cả nước, người học có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn.