Trả nghĩa cho đời

Dạo dịch bùng lên, anh Ngôn Đức Thắng, 33 tuổi, ở Cần Thơ kêu gọi được gần 200 triệu đồng giúp người bán vé số dạo, những người khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, Thắng và gia đình sống nghèo khổ ở Kiên Giang và được sự giúp đỡ, bao bọc của nhiều người sống chung quanh nên giờ dù chưa khá giả, nhưng anh đã muốn trả nghĩa cho đời… 

Anh Ngôn Thắng bên chiếc xe chở bệnh nhân miễn phí.
Anh Ngôn Thắng bên chiếc xe chở bệnh nhân miễn phí.

Thương người dưng như ruột thịt

Nhiều người vốn đã biết đến Ngôn Đức Thắng như là điểm tựa của những người khốn khó ở đất Tây Đô khi anh bỏ tiền túi thuê nhà trọ để rước những phụ nữ cao tuổi không nhà, không người thân về ở. Anh thường đến thăm, cười nói động viên và “phát lương” 300 nghìn đồng cho mỗi cụ/tháng, thời gian qua tăng lên 500 nghìn đồng/cụ/tháng dù anh đang khó khăn hơn trong làm ăn. Nguồn kinh phí được lấy từ những cuộc vận động của anh Thắng trên mạng xã hội, từ tám mùa liveshow “Hát vì những nụ cười” do anh Thắng tổ chức rất thành công ở Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 

Rồi Ngôn Đức Thắng quyết định xây nhà cho các cụ để ổn định hơn cuộc sống. May mắn khi có doanh nghiệp tặng đất ở Cần Thơ, còn anh Thắng kêu gọi tài trợ để cất được “nhà chung” cho các cụ với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, rất khang trang và thoáng đãng. Bà Trần Thị Mười, 80 tuổi, tám năm phải sống trong cô quạnh ở tỉnh Vĩnh Long biết được anh Thắng qua một người bạn bị tai nạn kể chuyện được anh Thắng nhiệt tâm giúp đỡ. Bà xin ở nhà chung và được anh Thắng vui vẻ đồng ý. Từ đó, bà Mười “an cư lạc nghiệp” ở Cần Thơ cho đến nay cũng đã bốn năm. Hiện, nhà chung đang là nơi ăn ở của bảy phụ nữ cao tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Cơm nước, chợ búa của các cụ đều do chị Diệp Bạch Yến ở gần lo liệu.

Bà Mười nghèn nghẹn nói với chúng tôi: “Lúc trước, không ai lo cho tôi cả. May có cậu Thắng cho ở, cho ăn. Được cậu Thắng nuôi dưỡng lúc già như vầy khiến tôi cảm giác cậu ấy còn hơn cả con cháu trong nhà tôi”. Anh Thắng ngồi bên cạnh, ngước cặp mắt nhân hậu, trìu mến nhìn cụ Mười rồi bóp bóp tay chân cho cụ, vỗ nhè nhẹ vào lưng, cùng những lời hỏi thăm sức khỏe thân tình. Thỉnh thoảng, anh Thắng còn mang đến áo quần mới, khăn mặt mới cho các cụ. Bà Mười khoe còn có các bạn anh Thắng đến khám bệnh và đo huyết áp cho các cụ nữa...

Trong hành trình “phát lương” của mình, anh Thắng nhớ nhất là phát cho ông Dương Thành Nam, không con cái, không người thân. Mỗi lần cầm 500 nghìn đồng từ anh Thắng, nước mắt hai vợ chồng ông cứ lã chã rơi. Anh Thắng vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để cất nhà tình thương cho ông Nam có chỗ ở ổn định, che mưa che nắng lúc xế chiều. 

Anh Thắng còn “phát lương” cho 15 cụ ở các tỉnh, thành phố khác với 500 nghìn đồng/tháng/người. Anh nói: “Kẻ áo rách phải thương người áo rách hơn. Cứ thấy các bà ngoài đường là tôi thấy rất tội”. Hai chỉ vàng mẹ cho cất dành cũng đã được anh Thắng góp vào mua gạo, thức ăn cho các cụ. 

Vay tiền ngân hàng mua ô-tô chở bệnh nhân nghèo miễn phí 

Thời gian vừa rồi, tin anh Thắng vay ngân hàng 300 triệu đồng để gộp với tiền riêng, tiền vay mượn bạn bè của anh được 500 triệu đồng để nhập khẩu nguyên chiếc xe ô-tô chuyên dụng từ Hàn Quốc giá 800 triệu đồng khiến nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ xôn xao. Nhiều người bệnh ở Cần Thơ còn nhớ như in là trong khi nhiều tài xế xe cứu thương từ chối chở bệnh lên TP Hồ Chí Minh vì lo ngại dịch bệnh thời gian qua, thì chiếc xe cứu thương của anh Thắng không ngại nhận chở giúp.

Những việc làm của anh Thắng còn chạm tới trái tim của nhiều người xa lạ ví như mấy tháng qua, chị Lê Thị Kim Oanh ở Quảng Ninh gởi đều đặn mỗi tháng 5 triệu đồng cho anh Thắng. Có bạn trẻ khác thì gởi đến anh Thắng 50 nghìn đồng và lời nhắn: “Nếu ngày xưa có những chuyến xe cứu thương như thế này thì bây giờ em đâu phải mồ côi”. Anh Thắng vốn đang làm việc cho một công ty logistic và đang gặp khó khăn về việc làm trong thời Covid-19. Nhưng anh nói không lo gì hết vì anh có nghề tay trái là bán hàng qua mạng đã và đang mang lại thu nhập khá. 

Xe chuyển bệnh nhân của anh Thắng có ghi dòng chữ lớn trên xe ai cũng đọc được: “Xe vận chuyển bệnh miễn phí, không nhận tiền dưới mọi hình thức”, đi kèm số điện thoại cá nhân của Thắng để người dân phản ánh, góp ý kiến. Thắng kể trước đây, mẹ của anh từng bị tai nạn nghiêm trọng, may mắn được một người bạn của Thắng lái ô-tô đưa đi viện kịp. Và đến nay lời nhắn nhủ của mẹ: “Mình nhịn một chút cũng không chết. Con cố gắng mà thu xếp cho đủ!” lại vang lên trong anh, thúc giục anh Thắng vượt khó tiến lên phía trước mỗi khi lái xe đi làm việc nghĩa với đời.