Tổ chức tốt đợt 2 kỳ thi THPT năm 2021

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước vẫn còn 23.500 thí sinh tại 42 tỉnh, thành phố chưa thể dự thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đợt 2 kỳ thi THPT năm 2021 sẽ được lên phương án như thế nào để vừa an toàn, vừa bảo đảm quyền lợi thí sinh?  

Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - 2021 diễn ra an toàn. Ảnh: SONG ANH
Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - 2021 diễn ra an toàn. Ảnh: SONG ANH

Bảo đảm các điểm thi an toàn

Điểm thi tốt nghiệp THPT đã công bố. Giờ là lúc các thí sinh thi đợt 2 đang lo lắng, không biết sẽ phải thi ra sao vì đúng thời điểm dịch đang bùng phát mạnh. Trong công văn gửi các địa phương mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các địa phương cần khẩn trương tập trung rà soát kỹ các điều kiện về mọi mặt để tổ chức đợt thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm quyền lợi cho những thí sinh này. 

Bộ GD&ĐT đã quy định rõ những đối tượng thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp năm nay gồm: Những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2; đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; đang ở nơi bị phong tỏa, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh được yêu cầu sẽ hỗ trợ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực  cho các thí sinh có nguyện vọng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH dành tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp để xét tuyển cho các thí sinh này.

ĐHQG Hà Nội cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho những đối tượng thí sinh này. GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội cho biết: “Kịch bản chúng tôi xây dựng dựa vào số lượng, quy mô của thí sinh ở từng địa bàn, từng tỉnh, thành phố để có thể xác định việc tổ chức được đủ một phòng thi, một địa điểm thi phù hợp hay không? Nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ đến địa bàn đó để tổ chức thi. Phương thức tổ chức kỳ thi giống như mọi năm, mọi lần. Giãn cách cho thí sinh theo thời gian đến thi từ 6 giờ sáng đến 19 giờ 30 phút hằng ngày. Mỗi thí sinh được làm một bài thi trên máy tính thông thường và sẽ giãn cách thí sinh cùng một phòng thi. Số lượng nhiều nhất là 10 thí sinh một địa điểm thi, bảo đảm thí sinh làm bài xong là biết kết quả ngay”. 

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học dành chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp cho việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cùng với các phương thức xét tuyển khác để xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể gửi đến các trường đại học về việc tiếp nhận thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp.

Có thể mở rộng số điểm thi đánh giá năng lực

Hiện nay, ngoài Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì vẫn còn nhiều địa phương có quận, huyện, thị xã nằm trong diện giãn cách xã hội. Bộ GD&ĐT cho biết, đến sát thời điểm thi tốt nghiệp đợt 2, các địa phương sẽ rà soát đợt nữa nhằm phân loại thí sinh để quyết định, đâu là những thí sinh thuộc diện dự thi, đâu là thí sinh không thể tham gia kỳ thi. Hiện tại, tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp với hơn 3.000 thí sinh chưa thể dự thi tốt nghiệp. Dự kiến là toàn bộ số thí sinh này không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 và cũng vì vậy, các em sẽ nằm trong diện được xét đặc cách tốt nghiệp.

PGS, TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Trong điều kiện nếu dịch bệnh được kiểm soát, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực lần 2 là phương án tốt nhất. Từ đó, sẽ tạo thêm một kênh để các thí sinh xét tuyển. Tuy nhiên, do dịch bệnh, phương án này khó thực hiện, tôi sẽ đề xuất với Ban Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, đối với những thí sinh đã được đánh phách nhưng chưa thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực và cũng chưa đăng ký thi đợt 2, nếu muốn chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các bạn được đăng ký thi đợt 2”. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh, nếu có nhu cầu xét tuyển cũng có thể tham gia kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Với số lượng 19 tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội thì chắc chắn sẽ có nhiều thí sinh có nhu cầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ở phía nam. 

Về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh  giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết: “ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và trong năm 2021 tổ chức được một đợt vào tháng 3, dự kiến tổ chức đợt 2 vào tháng 7. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, kỳ thi tạm thời dừng lại. Ngoài số thí sinh đã sẵn sàng cho kỳ thi này rồi, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp Bộ GD&ĐT sắp xếp cho những thí sinh tuy chưa đăng ký nhưng có khả năng thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Chúng tôi đang xác định có bao nhiêu thí sinh có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2, từ đó sẽ sắp xếp tổ chức thi hợp lý. Trong thời gian tới, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để xem có bao nhiêu thí sinh có nguyện vọng, sau đó sắp xếp thí sinh vào những điểm thi hiện có của ĐHQG TP Hồ Chí Minh như: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng hoặc có thể mở rộng thêm một số điểm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh.