Thích nghi với bình thường mới

Tình hình dịch Covid-19 chuyển biến tích cực, số ca nhiễm giảm mạnh, tỷ lệ phủ vaccine tăng nhanh, người dân TP Hồ Chí Minh đang dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới. 

Một gian hàng bán rau củ trong khuôn viên một quán bar nổi tiếng tại đường Bùi Viện.
Một gian hàng bán rau củ trong khuôn viên một quán bar nổi tiếng tại đường Bùi Viện.

Thay đổi để an toàn

“Em có thẻ xanh chưa? Có phải là F0 đã hoàn thành quá trình điều trị không? Nếu chưa tiêm vaccine thì chị không dám nhận đâu”… Hơn một tuần nay, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Kim Chi (quận Gò Vấp) đều lặp lại những câu quen thuộc ấy trước khi chốt lịch hẹn làm tóc cho khách hàng qua điện thoại. Chủ tiệm tóc này thẳng thắn chia sẻ, chỉ những khách an toàn và tuân thủ 5K chị mới nhận, còn không sẽ hủy ngay từ đầu. Và tiệm của chị không nhận khách vãng lai, những người chưa đăng ký và cung cấp thông tin trước. Chấp nhận giảm thu nhập, chị Chi không xếp hai, ba khách cùng vào tiệm làm tóc như trước kia mà bố trí mỗi người một khung giờ nhằm hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc. 

Khách đến tiệm phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, luôn đeo khẩu trang cho đến khi rời đi. Thay vì đóng cửa kính, mở máy lạnh, cho khách ngồi sát nhau như trước kia, chị Chi mở rộng các cửa, giảm một nửa số ghế, bật quạt để làm việc. “Mình nhỏ nhẹ nói khách chịu khó một chút, làm mọi cách cho đôi bên an toàn. Ban đầu nghe tôi hỏi thăm về việc tiêm vaccine, nhiều khách tỏ ra bực bội cúp máy ngang, vẫn phải chấp nhận thôi. Khó khăn lắm mới mở cửa lại, cả chủ lẫn nhân viên dặn dò nhau làm mọi thứ thật kỹ lưỡng mới hạn chế được rủi ro. Bình thường mới thì phải thích nghi, tìm cách kinh doanh kiếm sống chứ lơ là một chút có chuyện gì xảy ra thì mệt mỏi lắm”, chị Chi cho hay. 

Nếu như trước đây một ngày của anh Nguyễn Anh Tuấn đều bắt đầu bằng việc dậy sớm đến công viên gần chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh tập thể dục, uống cà-phê với bạn bè thì giờ đây mọi nhu cầu được tối giảm. Gần 6 giờ sáng, anh mang giày thể thao, đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn rồi đi bộ từ nhà đến công viên. Trong túi quần là chai cồn nhỏ và đôi găng tay y tế. Đến công viên, không còn cùng bạn bè tán gẫu như mọi khi, anh một mình chạy bộ vài vòng làm nóng cơ thể rồi đeo găng, xịt khuẩn các máy tập công cộng trước khi bắt đầu các bài tập. 

Anh Tuấn nói, bạn bè anh cũng dần thay đổi thói quen sau mấy tháng “ai ở đâu ở yên đó”. Công viên thưa thớt người đến tập thể dục, mấy câu lạc bộ của chị em phụ nữ, người già cũng tạm ngưng. Mặc dù thi thoảng vẫn có người chọc ghẹo vì quá kỹ tính, anh Tuấn chỉ cười trừ: “Đâu phải “zero Covid-19” mà chủ quan. Mình được ra ngoài hít thở, tập thể dục là thoải mái lắm rồi, không bảo vệ, phòng dịch kỹ lỡ có gì làm sao đi làm nuôi con. Ở công viên này tôi thấy mọi người nghiêm túc lắm, không tụm năm, tụm ba như trước đâu. Ai cũng đeo khẩu trang, nói chuyện thì đứng cách xa nhau. Mỗi ngày nghe tin ca nhiễm giảm, tôi thấy đỡ lo. Giờ chỉ mong hết dịch hoàn toàn để đến Tết còn về quê thăm gia đình”.

Từ đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh nới lỏng các hoạt động thiết yếu, đưa người dân chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Đến thời điểm hiện tại thành phố đã hoàn thành tiêm hơn 12 triệu mũi vaccine cho người dân. Trong đó, khoảng 98% người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi và hơn 70% tiêm đủ hai mũi. Tỷ lệ người trên 65 tuổi đã hoàn thành hai mũi tiêm chiếm gần 75%. Thành phố đã có lộ trình để từng bước ngưng hoạt động hệ thống gồm 16 bệnh viện dã chiến hiện hành. Để chuẩn bị cho việc giải thể các bệnh viện dã chiến cấp thành phố, hệ thống bệnh viện dã chiến tại các quận, huyện đang được khẩn trương hoàn thiện, đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Đến nay, đã có 15 bệnh viện quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm thích ứng tình hình dịch bệnh hiện nay và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động xét nghiệm dự kiến sẽ tập trung cho việc giám sát phát hiện các ca bệnh mới, điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ. Các cơ sở y tế thực hiện khai báo y tế điện tử, tổ chức phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám bệnh theo quy định, đồng thời chú ý khai thác các triệu chứng, phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Thích nghi với bình thường mới -0
Các tiệm cắt tóc tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại bảo đảm quy trình phòng dịch. 

Chuyển đổi từng bước

Gần 10 năm kinh doanh ở khu phố Bùi Viện - tuyến đường sầm uất tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh - chưa bao giờ chị Thùy Trinh, chủ Lucky Bar thấy có mặt bằng nào trong khu này trống người thuê. Vậy mà giờ có gần 20 mặt bằng treo bảng mãi chưa ai thuê, đường sá vắng hoe. Đại diện nhiều hộ kinh doanh cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến không ít người vỡ nợ. Thế nhưng, thay vì bỏ trống mặt bằng, nhiều chủ quán bar, nhà hàng trên tuyến đường này đã kịp bổ sung thêm các hình thức kinh doanh thời vụ. Buôn bán nhu yếu phẩm theo hình thức giao hàng tận nơi, bán mang đi đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp tại đây triển khai để giữ chân nhân viên, tìm cách trụ lại chờ ngày thành phố “mở cửa” hoàn toàn. 

Lucky Bar của chị Trinh trước dịch rất đông khách, thu nhập nhờ vậy khá ổn định. Có thời điểm, chị quản lý đến 30 nhân viên. Hiện tại, phần lớn nhân viên của quán đã về quê tránh dịch, chỉ còn sáu người ở lại. Từ khi dịch bùng phát trở lại đến nay, chị Trinh thay đổi hướng kinh doanh, duy trì nguồn thu và tạo việc làm cho nhân viên. Quán bar được chị chuyển công năng thành điểm bán rau củ quả, gạo, mì và trái cây. “Dịch kéo dài ai cũng khổ. Mình ngồi than cũng chẳng ích gì, thôi thì mỗi người cố gắng tìm cách duy trì hoạt động. Buôn bán như vậy vừa có thêm nguồn thu, vừa giữ chân một lượng nhân viên vừa đủ để khi quán được phép hoạt động trở lại mọi thứ sẽ vào guồng. May mắn là chủ cho thuê mặt bằng giảm giá cộng với mình vẫn có việc để làm chứ nếu không áp lực này sao gánh nổi”, chị Trinh chia sẻ. 

Tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong giai đoạn dịch bùng phát dữ dội, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng mới, cố gắng duy trì hoạt động ở những lĩnh vực mới. Khi tình hình khả quan hơn, họ hoạt động trở lại với quy mô tinh gọn và quy trình phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn. Chỉ một tuần sau khi TP Hồ Chí Minh áp dụng chỉ thị mới đã có hơn 9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thời điểm trước dịch, các khu chế xuất và khu công nghiệp tại thành phố có khoảng 288.000 lao động. Đến thời điểm này đã có khoảng 70% số lao động trở lại làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. 

Thành phố cũng lên các phương án mở cửa lại trường học từ đầu năm 2022. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, khoảng 150 trong tổng số hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đã có chủ trương trả lại cho ngành giáo dục. Dự kiến đến giữa tháng 11, việc chuyển giao sẽ hoàn tất và các trường có hơn một tháng sửa chữa, khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất và triển khai nhiều hoạt động cần thiết trước khi chính thức mở cửa đón học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng vừa trình UBND thành phố dự thảo (lần 3) Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại các trường mầm non, phổ thông. Bộ tiêu chí gồm 10 thành phần, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine cho giáo viên, giảm sĩ số lớp học ít nhất 50%, giữ khoảng cách tiếp xúc trong trường học là các tiêu chí rất được quan tâm. Những cơ sở giáo dục đạt dưới sáu tiêu chí sẽ được đánh giá “Chưa bảo đảm an toàn” và không được tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp. Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên nhằm nâng cao mức độ an toàn khi mở cửa trường học trong điều kiện hiện nay.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố bước đầu được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thành phố cam kết không lơ là, chủ quan trước những kết quả bước đầu và sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, cảnh báo dịch. Thời gian tới, thành phố ưu tiên củng cố hệ thống y tế với y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi nhằm khắc phục những hạn chế đã gặp phải trong giai đoạn dịch bùng phát dữ dội. Mô hình điều trị ba tầng và hệ thống y tế cơ sở sẽ được chú trọng hơn nữa để nâng cao chất lượng phục vụ người dân có nhu cầu. Cùng với đó là việc thúc đẩy triển khai các mô hình an sinh xã hội, chính sách đưa - đón lao động trở lại thành phố làm việc, các gói hỗ trợ khẩn cấp, lâu dài cho những nhóm yếu thế trong cộng đồng.