Tạo trạng thái an toàn trong mùa dịch

Từ khi 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương đã có được phương án hợp lý trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, việc tạo trạng thái an toàn cho người dân được đặc biệt chú trọng. 

Mô hình HTX nông nghiệp bán hàng bình ổn đang giúp cho nhiều vùng ở Long An có được thực phẩm ở mức giá ổn định.
Mô hình HTX nông nghiệp bán hàng bình ổn đang giúp cho nhiều vùng ở Long An có được thực phẩm ở mức giá ổn định.

Bảo đảm ổn định giá gạo 

Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, một số nơi đã xảy ra tình trạng “khan” hàng thực phẩm như rau xanh, củ quả, gạo… Ngay tại Long An, một địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua mặt hàng gạo, rau, củ, quả tại một số cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh có dấu tăng giá. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động và nhận được sự đồng thuận khi nhiều HTX nông nghiệp và doanh nghiệp mở các điểm bán hàng bình ổn giá đến hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16. 

Trong đó, UBND huyện Thủ Thừa đưa ra phương án để HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh mở điểm bán rau, củ, quả bình ổn, bố trí lực lượng đoàn thể tham gia phân luồng phòng, chống dịch tại địa điểm bán hàng. Giá hàng nông sản được HTX niêm yết công khai và ổn định trong suốt thời gian chống dịch, không thay đổi. HTX đã cung cấp hơn 5 tấn rau, củ, quả cho người dân Thủ Thừa với giá thấp hơn giá thị trường từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg tùy loại. Ngoài việc bán hàng bình ổn tại địa phương, HTX còn cung ứng nông sản bình ổn giá cho TP Hồ Chí Minh theo từng phần hàng với giá trị 30.000 đồng, 50.000 đồng, 70.000 đồng và 100.000 đồng.   

Thực tế, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giảm chi phí hằng ngày, mua được rau, củ, quả giá ổn định, Sở Công thương tỉnh Long An đã kêu gọi các doanh nghiệp mở điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa phương trong tỉnh đến hết thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đã mở nhiều điểm bán gạo bình ổn với giá cố định 9.000 đối với gạo IR 504, 10.000 đồng/kg OM 5451 và gạo D9T8, OM10 có giá 12.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. 

Tại tỉnh Bình Phước, theo ghi nhận của phóng viên, các nhu yếu phẩm cần thiết cũng được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Với tình huống chợ trung tâm tỉnh bị phong tỏa do có ca dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh đã lập chợ tạm để bảo đảm cung ứng hàng hóa. Ngoài siêu thị, hệ thống Bách hóa xanh, dọc các trục đường chính của TP Đồng Xoài xuất hiện nhiều sạp bán rau củ quả hơn những ngày bình thường. Tại những điểm bán hàng này, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt, người mua và người bán giữ khoảng cách ít nhất 2m. Bà Hồ Thị Định ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, TP Đồng Xoài cho biết: “Các mặt hàng khá dồi dào, tuy nhiên giá cao hơn bình thường chút đỉnh. Việc mua bán người dân thực hiện nghiêm, luôn giữ khoảng cách theo quy định”. 

Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã kêu gọi toàn thể nhân dân Bình Phước đồng lòng chống dịch. Bà Trần Tuệ Hiền cho rằng, trong điều kiện nguồn vaccine phòng Covid-19 có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng rộng rãi cho nhân dân thì ngay lúc này đây vaccine tốt nhất, hiệu quả nhất chính là sự đoàn kết, ý thức tự giác, trách nhiệm cao của mỗi người dân. 

Đến nay, tỉnh Bình Phước cũng đã vận động các công ty có số lượng công nhân lớn không đáp ứng được “ba tại chỗ” cho người lao động tạm nghỉ việc trong 15 ngày; đồng thời rà soát và đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho gần 81 nghìn người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền  hơn 116 tỷ đồng; việc chi trả sẽ được thực hiện qua hệ thống ngân hàng hoặc bưu điện. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Để số tiền này kịp thời đến tay người lao động, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả đối với NLĐ, hộ kinh doanh, người điều trị (F0) hoặc cách ly (bao gồm cả trẻ em)... 

Tạo niềm tin, giữ ổn định cho dân

Hiện nay, Tỉnh đoàn đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Phước tổ chức quyên góp rau, củ, quả để tiếp thêm sức mạnh cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong ngày 19/7, 300 tình nguyện viên là y, bác sĩ của tỉnh Bình Phước lên đường chi viện cho hệ thống chống dịch tại tỉnh Bình Dương. 

Hiện nay, hầu hết các huyện và thành thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã triển khai chi trả tiền hỗ trợ cho nhân dân. Ghi nhận tại huyện Chơn Thành, ngày 19/6, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với bưu điện huyện tiến hành trao kinh phí hỗ trợ đợt một cho các đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đợt này, huyện Chơn Thành trao kinh phí hỗ trợ cho 116 người, với tổng số tiền 89,8 triệu đồng, trong đó chi hỗ trợ cho 88 lao động tự do với mức 750 nghìn đồng/người; hỗ trợ kinh phí cho 28 người bán vé số lẻ lưu động với mức 850 nghìn đồng/người. Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bưu điện huyện Chơn Thành đã bàn giao tiền và danh sách cho các trưởng ấp, khu phố, để trao lại cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Việc chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm kịp thời động viên tinh thần, giúp cho người lao động vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Đặc biệt, tại Bình Phước chính quyền một số huyện, thị xã còn có nhiều hình thức hỗ trợ người lao động, nhân dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Cụ thể, huyện Đồng Phú đã thành lập đội tình nguyện bao gồm 10 xe ô-tô và 15 lái xe thường xuyên tiếp nhận và vận chuyển các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế… Các thành viên còn là những tuyên truyền viên vận động, kết nối với các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm… cho tuyến đầu chống dịch. Ông Phạm Văn Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Phú cho biết: “Các thành viên trong đội đều hoạt động trên nguyên tắc tình nguyện, thực hiện nhiệm vụ đi bất cứ nơi đâu, không kể thời gian ngày hay đêm, mưa hay nắng… khi cần là có mặt kịp thời và tất cả đều miễn phí. Các tình nguyện viên đều được trang bị đồ bảo hộ, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính thì mới được tham gia các hoạt động tình nguyện”.

Tại phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, có khoảng 900 hộ bị ảnh hưởng dịch cần hỗ trợ. UBND phường đã thành lập đội “shipper 0 đồng” kịp thời vận chuyển hàng thiết yếu đến các hộ dân gặp khó khăn. Không kể nắng hay mưa, các thành viên trong đội vẫn miệt mài trên những con đường chở các phần quà thiết yếu trao tặng các hộ gặp khó khăn. Nguồn nhu yếu phẩm hỗ trợ chủ yếu do Đảng ủy, UBND phường Tiến Thành vận động. Ông Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường Tiến Thành cho biết: “Ngay từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, chúng tôi đã tổ chức nhiều điểm phát nhu yếu phẩm 0 đồng. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và đi lại khó khăn hơn. Vì vậy, chúng tôi luôn phối hợp với ban điều hành khu phố nắm bắt tình hình và tranh thủ đội shipper 0 đồng để kịp thời hỗ trợ người khó khăn, giúp họ yên tâm thực hiện giãn cách”.