Tạo bước đột phá cho khu vực tây bắc TP Hồ Chí Minh

Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài hạn chế về hạ tầng kết nối, quy hoạch của Khu đô thị (KĐT) tây bắc TP Hồ Chí Minh có nhiều bất cập, chưa hấp dẫn nhà đầu tư... Do đó, thành phố cần phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho vùng đất này để giúp giãn dân ra ngoại thành, giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. 

Khu đô thị tây bắc TP Hồ Chí Minh còn nhiều dư địa cần được khai phá.
Khu đô thị tây bắc TP Hồ Chí Minh còn nhiều dư địa cần được khai phá.

Còn nhiều hạn chế

Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh xác định đến năm 2025 phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, bao gồm khu vực trung tâm và bốn cực phát triển ra bốn hướng là đông, nam, tây bắc và tây - tây nam. Trong đó, huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện ngoại thành chiếm gần trọn khu vực phía bắc - tây bắc của thành phố với diện tích khoảng 544.000ha, là cửa ngõ kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay, KĐT tây bắc vẫn còn nhiều bất cập…

Đơn cử, Khu đô thị Làng Đại học quốc tế rộng 925ha, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) từng được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành KĐT tây bắc, tạo ra một KĐT hiện đại với môi trường học tập, làm việc… đạt chuẩn quốc tế. Thế nhưng, từ khi được cấp phép năm 2008 đến nay vẫn không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. 

Cách KĐT Làng đại học quốc tế chừng 30km về phía tây bắc, dự án Công viên Sài Gòn Safari khởi động từ năm 2004, vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD cũng rơi vào tình trạng chưa hoàn thành. Dự án kéo dài nhiều năm do bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới. Khu đất thuộc dự án công viên rộng 457ha, thuộc địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) từng được kỳ vọng trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, nhưng hiện thành nơi chăn thả trâu, bò, trồng rau. 

Tại buổi làm việc mới đây giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh với UBND huyện Củ Chi và các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau hội nghị kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, rất nhiều nhà đầu tư muốn xúc tiến, đẩy nhanh đầu tư các dự án, nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các dự án đang kêu gọi đầu tư gặp một số vướng mắc như công tác đền bù giải tỏa, đất công xen cài, từ đó dẫn đến việc cần phải xác định đấu giá hay đấu thầu dự án; một số dự án cần phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp thực tế; nhiều dự án đã cấp chứng nhận đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa triển khai, kiến nghị thu hồi… 

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, lý do khu tây bắc TP Hồ Chí Minh dù có quy hoạch từ rất lâu nhưng chưa phát triển tương xứng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư là do hạ tầng giao thông kém và vướng “quy hoạch treo”.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên, tiềm năng đất đai của huyện còn rất lớn nhưng hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, gây lãng phí lớn. Toàn huyện có diện tích hơn 11.000ha nhưng vẫn còn 40% - 48% diện tích đất sử dụng chưa hiệu quả (khoảng 4.500 - 5.000ha). Có những nơi quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch không phù hợp thực tế như khu dân cư lại quy hoạch trường học, công viên hay đất ruộng vườn thì quy hoạch đô thị.

Dẫn chứng cụ thể, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn nói về trường hợp của cánh đồng hoa Nhị Bình, nơi rất được các bạn trẻ ưa chuộng, rủ nhau đến đây chụp ảnh, chủ vườn rất muốn đầu tư mở rộng nhưng không thể do vướng quy hoạch từ rất lâu. Những điểm nghẽn này khiến huyện trì trệ nhiều năm nay, không phát triển được, thậm chí nhiều hồ sơ khiếu nại tồn đọng.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho hay, dù những năm qua, kinh tế-xã hội huyện phát triển khá cao khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt hơn 16% nhưng đánh giá một cách toàn diện, kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Thế nên, Củ Chi cần phải được đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, có chính sách để thu hút nhà đầu tư, thu hút những tinh hoa đến với huyện nhằm xây dựng một đô thị phát triển bền vững.

Tháo gỡ điểm nghẽn từ quy hoạch

Nhiều năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thấy những bất cập nêu trên trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng KĐT tây bắc nên đã có nhiều chỉ đạo điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương.

Trên tinh thần này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sở đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tham mưu điều chỉnh một số nội dung quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KĐT tây bắc theo hướng, đối với khu dân cư hiện hữu sẽ thực hiện quy hoạch cải tạo, chỉnh trang để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống; giữ nguyên quy hoạch của KĐT tây bắc đối với khu vực đất nông nghiệp ngoài khu dân cư hiện hữu để kêu gọi đầu tư.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các địa phương cũng đã xác định được ranh giới cụ thể của khu dân cư hiện hữu, ước rộng khoảng 1.674ha với hơn 57.000 nhân khẩu, chủ yếu nằm dọc quốc lộ 22. Ngày 5/2/2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 351/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh nội dung này.  

Thế nhưng, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, do quy hoạch KĐT tây bắc được xác định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố, việc điều chỉnh quy hoạch KĐT tây bắc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Hiện, UBND TP Hồ Chí Minh đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được duyệt rồi mới bắt đầu thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 KĐT tây bắc, thì ít nhất 3-4 năm nữa những bất cập nêu trên mới được tháo gỡ. 

Trong khi đó, những khó khăn của người dân đã kéo dài gần 20 năm đang làm kiệt sức họ. Chờ đợi thêm 3-4 năm nữa cũng sẽ làm cho thời cơ đầu tư phát triển KĐT này qua đi.

Với tất cả những lý do này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã đã kiến nghị UBND thành phố báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ xem xét cho TP Hồ Chí Minh tổ chức lập quy hoạch KĐT tây bắc điều chỉnh theo hướng mà Thành ủy và UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho biết, những điều chỉnh đó cũng hoàn toàn phù hợp nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu chia sẻ, HoREA đã có kiến nghị đến TP Hồ Chí Minh và Trung ương về bổ sung quy hoạch thành phố tây bắc trên cơ sở hợp nhất huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Để thực hiện hóa ý tưởng này, việc đầu tiên cần làm sau khi có đầy đủ quy hoạch là phát triển hạ tầng, từ đó có cơ sở thu hút nhà đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, ông Trần Hiền Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Seaholdings cho rằng, với điều kiện địa hình cao, địa chất tốt, quỹ đất phát triển đô thị còn nhiều, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch hợp lý, kịp thời từ chính quyền, cải cách trong chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng, khu vực tây bắc sẽ có thêm động lực phát triển mạnh mẽ. “Trong kế hoạch phát triển dài hạn của SeaHoldings, tây bắc thành phố Hồ Chí Minh sẽ là khu vực trọng điểm mà chúng tôi hướng đến, nhằm phát triển các dự án bất động sản sinh thái, thông minh, hướng đến nâng chuẩn sống cho người dân địa phương. Từ đó, góp phần giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, mở rộng không gian sống khi thành phố ngày càng quá tải”, ông Trần Hiền Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, KĐT tây bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, quy hoạch từ lâu đã ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện, gây lãng phí tài nguyên đất. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân từ đó cũng bị ảnh hưởng.

Việc TP Hồ Chí Minh xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho KĐT tây bắc là phù hợp tình hình thực tế và hết sức cần thiết. Huyện mong muốn việc điều chỉnh sớm thực hiện. Đây sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng thời giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân.

Với các đề nghị mở rộng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, chính quyền thành phố sẽ chủ động bổ sung vào quy hoạch chung. Thành phố cũng sẽ giải quyết sớm những vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số vấn đề liên quan đến thủ tục. Đối với những vướng mắc về pháp lý phải báo cáo Trung ương thì thành phố sẽ hệ thống và báo cáo Trung ương để làm sao phải tháo gỡ sớm để đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp.