Tăng cường chống dịch với chỉ thị đặc thù

Sau 20 ngày giãn cách xã hội, số ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn phát hiện thêm một số “ổ dịch” mới. Thành phố quyết định mạnh tay hơn trong việc siết chặt quy trình phòng, chống dịch bằng Chỉ thị số 10 với những yêu cầu phù hợp tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. 

TP Hồ Chí Minh tăng cường nhiều biện pháp chống dịch.
TP Hồ Chí Minh tăng cường nhiều biện pháp chống dịch.

Khẩn trương triển khai các biện pháp đặc biệt

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký ban hành Chỉ thị số 10 (áp dụng từ ngày 20-6 cho đến khi có thông báo mới) với nhiều biện pháp mạnh, đặc thù nhằm kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất. Chỉ thị này có những quy định siết chặt hơn so Chỉ thị 15, 16 dựa trên tình hình thực tế khi mà lệnh giãn cách sau ba tuần chưa mang lại kết quả như kỳ vọng và gần 80% ca bệnh tại thành phố là lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đó, chỉ thị này yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát và siết lại quy trình giãn cách bảo đảm an toàn tại hệ thống chợ truyền thống. Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, không tụ tập hơn ba người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế. Chỉ thị này cũng yêu cầu thực hiện khoảng cách ít nhất 1,5 m thay vì 2 m giữa hai người tại nơi công cộng, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức.

TP Hồ Chí Minh cũng tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ trên địa bàn thành phố gồm: xe bus, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe taxi (trừ các phương tiện được Sở Giao thông vận tải công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết), xe hợp đồng dưới chín chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách… Xe công nghệ hai bánh được phép hoạt động nhưng hành khách phải khai báo y tế.

Ngay trong ngày đầu áp dụng chỉ thị mới, các quận, huyện đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra lưu động nhằm giám sát tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Chị Nguyễn Thị Soan, chủ một tiệm bánh cuốn tại quận Bình Thạnh cho biết: “Mặc dù mấy tuần nay tôi chỉ bán mang đi nhưng nói thật khách vẫn tới quá đông, chưa thể thực hiện tốt việc giữ khoảng cách an toàn. Sáng nay, tôi đã yêu cầu khách bảo đảm giãn cách, tuân thủ 5K mới bán. Mình thà mất khách mà an toàn, nếu không thì dịch bệnh khó kiểm soát tốt. Trước nhà tôi có một chợ tự phát, sáng nay mọi người cũng không họp chợ nữa. Như vậy, tôi thấy đỡ lo vì đi chợ mọi người hay lơ là trong việc giữ khoảng cách”.

Thành phố đã tiến hành phong tỏa các “ổ dịch” mới gồm ba khu phố tại phường An Lạc, quận Bình Tân với gần 17.450 hộ dân và ba ấp của huyện Hóc Môn để nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hoàn cảnh của thành phố hiện nay khác nhiều so thời điểm Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15 và 16 để áp dụng trên toàn quốc. Do đó, thành phố sẽ cân nhắc các biện pháp phù hợp diễn biến của dịch trên địa bàn và có biện pháp nghiêm với những nơi lơ là, chủ quan. 

Cùng với các biện pháp “mạnh tay” hơn trong phòng, chống dịch, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường giải pháp xét nghiệm sàng lọc để sớm phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm. Trong đó, tập trung tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao năng lực xét nghiệm, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày. Việc điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm và cắt đứt nguồn lây vẫn tiếp tục được tăng cường cùng với quá trình triển khai nhanh việc mua trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, không để các cơ sở y tế thiếu trang thiết bị trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh. TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu giải pháp cách ly F1 tại nhà khi số ca bệnh liên tục tăng lên.

Mới đây, tại buổi họp khẩn về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, biện pháp căn cơ nhất trong tình hình hiện nay vẫn là tiêm vaccine. Nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng chí yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Quyết tâm trong một tuần TP Hồ Chí Minh có thể khống chế được dịch bệnh.

Tăng cường chống dịch với chỉ thị đặc thù -0
Nhân viên Công ty FPT Software, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. 

Tăng cường tiêm vaccine

Ngay giữa giai đoạn khó khăn nhất, tín hiệu vui là Chính phủ vừa phân bổ 836.000 liều vaccine của AstraZeneca để TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng. Đây là phần vaccine trong số 966.320 liều do phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam. Gần 1.000 nhân viên thuộc Công ty FPT Software và Công ty TNHH Nipro Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 trong chương trình khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước. Trong đợt tiêm chủng này, thành phố triển khai khoảng 1.000 điểm tiêm, dự kiến tổ chức tiêm 200.000 liều/ngày, hoàn thành trước ngày 27-6. 

Từ ngày 8-3 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai ba đợt tiêm vaccine cho hơn một triệu lượt người, trong đó khoảng 30.000 người đã tiêm đủ hai mũi. Đối với kế hoạch tiêm chủng lần này, cùng với các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người hơn 65 tuổi, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất... với tổng số lượng khoảng một triệu người. “TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh tiến độ đàm phán mua vaccine, mục tiêu đến hết năm nay có hai phần ba số dân thành phố được tiêm. Chúng tôi sẽ tổ chức sàng lọc, theo dõi kỹ, bảo đảm tiêm tới đâu an toàn tới đó, giám sát xử trí bất lợi sau tiêm chủng”, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết. 

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn gửi đến lãnh đạo Phòng Giáo dục TP Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trực thuộc Sở, hiệu trưởng các trường có vốn đầu tư nước ngoài… về việc lập danh sách chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19. Dự kiến, TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành tiêm vaccine cho giáo viên các trường mầm non, trường phổ thông, trung tâm GDTX - GDCN và các trường CĐ, TCCN trực thuộc, kể cả các trường ngoài công lập với khoảng 80.000 người.

Ngay sau đó các trường THPT đã triển khai khai báo y tế đối với giáo viên, nhân viên và toàn bộ học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường cũng rà soát, ghi nhận ý kiến, lập danh sách những cá nhân đồng ý/không đồng ý tiêm vaccine để ngành giáo dục và đào tạo kịp thời thống kê số liệu. Tại Trường THPT Nguyễn Du, việc đăng ký tiêm vaccine diễn ra nhanh chóng với tỷ lệ đăng ký tiêm rất cao. Chỉ một số trường hợp mang thai, có bệnh nền nguy hiểm là không đăng ký. “Điều đáng quý là có một số cán bộ, giáo viên dành sự ưu tiên cho các anh chị công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các phường, quận đang là “điểm nóng”. Đây là nghĩa cử đẹp vì tất cả mong muốn những nơi đó phải được bình an. Điều mà giáo viên còn mong đợi là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tất cả học sinh cũng được tiêm phòng tạo sự an tâm cao”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thông tin. 

Về việc tiêm vaccine đại trà, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế cố gắng hết sức để người dân tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất nhưng do vaccine đang khan hiếm trên phạm vi toàn cầu nên không về kịp thời. Bộ Y tế đang tích cực trao đổi, đàm phán với các nhà cung ứng để vaccine về nhanh nhất với số lượng bảo đảm. Trong tháng 7-2021, khi có thêm lô vaccine về thì ngành y tế tiếp tục ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh.