Thích ứng linh hoạt, an toàn với covid-19

Tác động của đại dịch với trẻ em

Đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến trẻ em trên toàn thế giới. Dù đã có nhiều bước tiến trong cuộc chiến chống dịch, nhưng tác động tiêu cực sẽ còn nghiêm trọng với hàng triệu trẻ em. Các tổ chức y tế quốc tế, phúc lợi trẻ em và các chính phủ đang nỗ lực hợp tác để giảm các mối nguy hại với thế hệ tương lai.

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19. Ảnh: AP
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19. Ảnh: AP

Những con số đáng lo ngại

Reuters dẫn báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2021 được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố đầu tháng 10 cho hay, Covid-19 có thể tiếp tục tác động đến sức khỏe tâm thần, thể chất của trẻ em và thanh - thiếu niên trong nhiều năm tới. Báo cáo nhấn mạnh, đại dịch đã gây những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh - thiếu niên, cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc.

Kết quả ban đầu từ cuộc khảo sát quốc tế do UNICEF và Viện Gallup thực hiện với trẻ em và người trưởng thành tại 21 quốc gia cho thấy, trung bình cứ năm người trong độ tuổi từ 15 đến 24 được khảo sát thì có một người cho biết cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. Ước tính trên toàn cầu, cứ bảy trẻ em thì có hơn một trẻ vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. 

Đại dịch Covid-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba và tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh - thiếu niên. Theo dữ liệu của UNICEF, cứ bảy trẻ em thì có ít nhất một em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu tổn thất nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào tâm trạng lo sợ, tức giận, băn khoăn về tương lai. Một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020 được trích dẫn trong báo cáo của UNICEF chỉ ra rằng, có tới một phần ba số người tham gia khảo sát cho biết cảm thấy sợ hãi, lo âu.

Trong khi đó, giữa nhu cầu về sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn tồn tại khoảng cách lớn. Báo cáo của UNICEF cho thấy, chỉ khoảng 2% ngân sách cho y tế của các chính phủ được phân bổ vào chi tiêu cho sức khỏe tâm thần. Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng, đại dịch đã gây tác động đáng kể, song đó chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. 

Gia tăng bất bình đẳng

Việc đóng cửa trường học và các cơ sở như thư viện, nơi duy nhất để nhiều trẻ em ở một số khu vực có thể truy cập internet, đã tác động nghiêm trọng đến giáo dục. Theo tạp chí Lancet, các yếu tố phi trường học là nguyên nhân chính gây ra bất bình đẳng trong giáo dục. Các nhà khoa học tin rằng, tập trung vào giáo dục kỹ thuật số, do trường học đóng cửa, chắc chắn sẽ làm gia tăng khoảng cách học tập giữa trẻ em có nền tảng kinh tế - xã hội thấp và cao. Tác động tồi tệ nhất sẽ xảy ra ở các cộng đồng nghèo nhất và ở vùng nông thôn không có internet hoặc tốc độ internet chậm. Các gia đình cũng có thể phải chật vật với chi phí của các dịch vụ băng thông rộng do sự suy thoái của kinh tế. 

Việc được khuyến khích vào internet để tiếp tục học tập cũng khiến nhiều trẻ em “nghiện” internet. Trẻ em có nguy cơ bị đe dọa trực tuyến cao hơn khi tham gia các mạng xã hội và điều đó có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo lắng, tự ti, và thậm chí là ý định tự tử. Những mối nguy hiểm trẻ em gặp phải khi trực tuyến còn bao gồm các nội dung và cuộc trò chuyện không phù hợp, như hình ảnh và nội dung khiêu dâm. Đã có bằng chứng cho thấy, quảng cáo rượu, thuốc lá trên internet đã khiến một số học sinh bắt đầu lạm dụng những chất có hại trong thời gian học từ xa.

Ngoài ra, tác động của tình trạng thiếu dinh dưỡng chủ yếu xảy ra ở nhóm các nước nghèo. Đóng cửa trường học đồng nghĩa với việc hàng triệu trẻ em không được hưởng chương trình thực phẩm do trường học cung cấp.

Một trong những hậu quả nữa của lệnh giới nghiêm, đóng cửa trường học là một số trẻ em không thể tham gia hoạt động thể chất ngoài trời, làm tăng các rối loạn liên quan. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, việc thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, khiến trẻ dễ bị tổn thương hơn. Giới chuyên gia lo ngại việc trẻ em sống ở các nước kém phát triển có thể đối mặt tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn, nhất là trẻ sống trong khu ổ chuột, trung tâm giam giữ người nhập cư, trại trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này sống gần gũi với nhau, không được chăm sóc sức khỏe hay tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh, những điều kiện khiến virus lây lan nhanh.

Covid-19 đã tạo ra áp lực đè nặng lên hệ thống y tế, khiến nhiều dịch vụ y tế thông thường bị cắt giảm. Tỷ lệ tiêm chủng ngừa các loại bệnh đã là một vấn đề lớn trước đại dịch và cuộc khủng hoảng y tế hiện nay làm trầm trọng thêm tình trạng này. Theo số liệu của UNICEF, do các biện pháp phòng Covid-19, khoảng 80 triệu trẻ em dưới một tuổi tại ít nhất 68 quốc gia có thể bỏ lỡ việc tiêm các loại vaccine, đe dọa đẩy lùi tiến bộ đã đạt được sau hàng thập niên trong việc giảm tử vong ở trẻ em.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) còn chỉ ra rằng, đại dịch có tác động tàn khốc hơn đối với trẻ em, nhất là với trẻ em gái ở các cộng đồng có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp. Tình trạng mất việc làm trên diện rộng và mất an ninh kinh tế dẫn đến một loạt vấn đề đáng báo động ở các khu vực nghèo trên thế giới như gia tăng bóc lột trẻ em, sử dụng lao động trẻ em, tảo hôn, xâm hại… 

Để thích ứng tốt hơn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Trẻ em và thanh - thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so người lớn, vì vậy việc tiêm chủng cho trẻ ít khẩn cấp hơn so người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế. Theo WHO, cần có thêm bằng chứng về việc sử dụng các loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau ở trẻ em để có thể đưa ra khuyến nghị chung. 

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. CDC của Mỹ khẳng định, tiêm vaccine có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh, ngăn ngừa lây bệnh cho người khác, không trở nặng nếu bị nhiễm. Để mở cửa trở lại trường học an toàn, CDC của Mỹ cũng khuyến cáo tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh và khách đến trường phải đeo khẩu trang khi ở trong các phòng kín, bất kể họ có đã tiêm chủng hay chưa. Giữ khoảng cách, sàng lọc, kiểm tra, truy vết, rửa tay thường xuyên,… cũng là các khuyến cáo của CDC để giảm sự lây lan dịch bệnh trong trường học. Các trường học cũng được tư vấn để cải thiện hệ thống thông gió, bằng cách như luôn mở cửa sổ và cửa ra vào.

UNICEF, WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ nên thảo luận chi tiết về đại dịch với con cái. Cha mẹ nên trung thực, trấn an các con và giải thích những biện pháp thiết thực mà chúng có thể thực hiện để giữ an toàn cho bản thân và người khác. Dành nhiều thời gian cho gia đình trong thời gian cách ly phòng dịch có thể giúp trẻ thân thiết hơn với người thân. Nhận thức được tác động của đại dịch cũng sẽ giúp trẻ phát triển lòng nhân ái và sự đồng cảm.