Sẵn sàng cho chiến dịch lớn

Ngày 19-6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty CP vaccine Việt Nam.  Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay để ngừa Covid-19. 

Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm phòng. Ảnh: HẢI NAM
Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm phòng. Ảnh: HẢI NAM

Tuyệt đối không để có vaccine mà tiêm chủng chậm trễ

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng Covid-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty CP vaccine Việt Nam (VNVC) ; Chấp nhận mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của Công ty VNVC); Giá mua vaccine theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với công ty. 

Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vaccine trên thế giới. Ngoài mua của hãng AstraZeneca và Nga tài trợ vaccine Sputnik V, sắp tới sẽ có thêm vaccine của hãng Pfizer. Ngoài ra, dự kiến, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận thêm một số loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (ba loại vaccine AstraZeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu; Johnson & Johnson, Moderna, SinoPharm, SinoVac, Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility. 

Theo Bộ Y tế, hiện nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có một nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế cũng thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7-2021.

Tại cuộc họp ngày 18-6, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tốt nhất cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vaccine Covid-19 thì đưa về Việt Nam thật nhanh, tuyệt đối không để có vaccine mà tiêm chủng chậm trễ.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế sớm có văn bản để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời, Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vaccine Covid-19 xong cho đối tượng ưu tiên, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.

Bảo đảm tiêm an toàn 

Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay để ngừa Covid-19. Bộ trưởng  Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có đủ nhân lực, thiết bị sẽ được đưa lên “bản đồ” tiêm chủng. Bản đồ này công khai tới toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm chủng. Theo đó, sẽ có tám kho bảo quản vaccine  do quân đội chủ trì, một kho đặt tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và bảy kho tại bảy quân khu. Vaccine về đến sân bay sẽ được vận chuyển ngay đến tám  kho. Các kho lạnh này cũng đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản và có hệ thống xe lạnh vận chuyển vaccine.

Quy mô của chiến dịch tiêm chủng này lớn nhất từ trước đến nay, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông đóng góp phần mềm tiêm chủng nhằm điều hành tiêm chủng trực tuyến, giám sát chỉ đạo tiêm chủng an toàn. Hệ thống quản trị thông qua công nghệ thông tin có mục tiêu thông báo cho người dân biết mình đến điểm tiêm chủng nào. “Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” dễ dàng”, ông Long cho biết. 

Sáng 19-6, tại Bộ Y tế, đã tổ chức buổi tập huấn an toàn tiêm chủng trực tuyến, với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Tại buổi tập huấn, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, Trưởng ban An toàn tiêm chủng cho biết, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người.  Để bảo đảm công tác tiêm chủng, ngành y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm;  bảo đảm tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). 

Hiện, hệ thống khám, chữa bệnh ở Việt Nam có 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế, bên cạnh đó hệ thống y tế  ngành, y tế công an, y tế quân đội  cũng phải tham gia chiến dịch tiêm chủng này.

GS, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho biết, mục đích quan trọng của việc sàng lọc tiêm chủng là phát hiện và phân loại các đối tượng đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine (có nhiều loại vaccine khác nhau), sàng lọc sớm, xử trí kịp thời và hạn chế thấp nhất những tai biến. “Có bốn nhóm đối tượng trong sàng lọc gồm nhóm đủ điều kiện tiêm ngay; nhóm thận trọng, nhóm trì hoãn và nhóm chống chỉ định”, GS, TS Kính nói.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 18-6, tổng số người được tiêm lên hơn 2,2 triệu người, trong đó có gần 106.000 người được tiêm đủ hai mũi. Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới.