Quản lý F0 tại nhà sao cho an toàn

Để giảm số người điều trị tại các cơ sở y tế, các bệnh viện (BV) và đặc biệt là những nơi có nhu cầu cao như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố xem xét, chỉ đạo quản lý F0 tại nhà. Vậy việc quản lý sẽ được thực hiện như thế nào để F0 không lây lan cho những bệnh nhân khác, không lây lan ra cộng đồng…

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà cho người dân. Ảnh: PHẠM NGÔN
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà cho người dân. Ảnh: PHẠM NGÔN

F0 có tải lượng virus thấp mới được điều trị tại nhà 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với những bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được điều trị, chăm sóc tại các cơ sở y tế thì có thể xuất viện vào ngày thứ 10 khi xét nghiệm bằng phương pháp PCR hai lần liên tiếp, cách nhau ít nhất 24h cho kết quả âm tính (-) hoặc có kết quả dương tính (+) nhưng tải lượng virus thấp thì có thể theo dõi tại nhà trong 14 ngày. Còn với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng, nếu xét nghiệm có tải lượng virus thấp thì đưa vào cơ sở y tế cách ly, theo dõi. Sau 24h làm lại xét nghiệm, nếu có tải lượng virus thấp hoặc kết quả xét nghiệm (-) thì sẽ được ra viện, về theo dõi tại nhà. 

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi đã có khuyến cáo, các F0 điều trị tại nhà cần liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế, bổ sung một số loại thuốc như thuốc hạ sốt, vitamine, uống nhiều nước và uống nhiều lần trong ngày để giữ ẩm cổ họng và người bệnh khi được gần gũi gia đình sẽ có tâm lý thoải mái, mau khỏi bệnh. Tất cả các bệnh nhân được ra viện về điều trị, theo dõi tại nhà phải có một số điện thoại đường dây nóng để liên lạc thường xuyên, được nhân viên y tế kiểm tra hằng ngày và đến lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định”. 

Với mỗi giai đoạn chống dịch đều có sự thay đổi kịp thời. Đối với việc thí điểm, triển khai quản lý điều trị F0 tại nhà, lợi ích trước mắt là giảm tập trung quá nhiều ca bệnh tại BV dã chiến, giảm tải hệ thống thu dung điều trị, tạo tâm lý thoải mái hơn cho người bệnh, nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là khi đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ nhưng lại diễn biến nặng nhanh. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Khi bệnh nhân ra viện, chúng tôi khuyến cáo phải theo dõi thật sát trong 10 ngày đầu. Để bảo đảm phát hiện ra trường hợp diễn tiến bệnh nhanh, nặng thì chúng ta vẫn phải làm thêm các xét nghiệm khác. Chúng tôi khuyến cáo sử dụng hai chỉ số rất đơn giản: Đó là nhịp thở của người bệnh và nồng độ oxy bằng thiết bị SPO2 kẹp đầu ngón tay. Nếu phát hiện biến đổi bất thường thì phải cho bệnh nhân đi chụp X-quang phổi ngay để đánh giá lại tất cả các tổn thương và bắt tay vào việc điều trị càng sớm càng tốt!”. 

Cần chủ động 

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư đánh giá: “Việc điều trị F0 tại nhà là biện pháp kịp thời để cắt đứt nguồn lây. Tuy nhiên, cách giải quyết này vẫn hơi chậm vì chúng ta đã rơi vào thế bị động khi cơ sở điều trị đã quá tải. Vì vậy, để triển khai việc điều trị F0 tại nhà một cách chủ động, chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ càng. Mục tiêu là cách ly F0 để cắt nguồn lây nhưng bên cạnh đó còn phải theo dõi y tế để làm sao cho bệnh nhân không rơi vào tình trạng nặng. Nếu rơi vào trường hợp nặng thì phải có sự can thiệp y tế kịp. 

Muốn làm như vậy phải phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, liên tục theo dõi phù hợp, kể cả những người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội cứu sống bệnh nhân khi diễn biến nặng. Cần phải có một kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong và ngoài BV thật thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản, có sự tham gia đắc lực của người dân. Phương tiện truyền thông mở các chuyên mục tương tác hướng dẫn người dân chăm sóc, theo dõi, nâng cao sức khỏe khi có nhiễm SARS- CoV- 2. 

Với sự thay đổi quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình tháp bốn tầng, tức là thêm một tầng so mô hình ba tầng của Bộ Y tế, phân cấp điều trị riêng cho những trường hợp không có triệu chứng, có triệu chứng và trường hợp nặng, nguy kịch. Tầng thứ nhất, dành cho bệnh nhân không triệu chứng, hiện TP Hồ Chí Minh có 30.000 giường thu dung, điều trị F0 (không triệu chứng, nhẹ) tại các BV dã chiến. Tầng thứ hai, điều trị những ca có triệu chứng gồm 2.500 giường tại các BV Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Gò Vấp, Quân dân y Miền Đông. Tầng thứ ba, là nơi điều trị các bệnh nhân F0 có bệnh lý nền như Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch, khu vực Thủ Đức, An Bình. Tầng thứ tư gồm 1.000 giường tại Trung tâm Hồi sức BV Ung bướu cơ sở 2 tại TP Thủ Đức điều trị các ca suy hô hấp, bắt đầu phải thở oxy và BV Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy mỗi nơi thêm 100 giường cho bệnh nhân phải dùng máy thở chức năng cao hoặc ECMO khi cần thiết.