Phức tạp viêm da nổi cục trên bò

Gần đây, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre diễn biến phức tạp. Nhiều ổ dịch mới phát sinh làm số lượng bò bệnh, chết tăng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. 

Cán bộ thú y huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) kiểm tra bệnh trên đàn bò.
Cán bộ thú y huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) kiểm tra bệnh trên đàn bò.

Dịch bệnh lan rộng

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng  đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng, diễn biến phức tạp. Nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bò chết, tốn chi phí điều trị khi đàn bò bị bệnh. 

Gia đình ông Hồ Văn Tho (ngụ xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nuôi 15 con bò nái và bò con. Mới đây, gia đình phát hiện có bốn con biếng ăn, trên da có xuất hiện nhiều mụn, nổi cục. Ông Tho cho biết: “Sau vài ngày theo dõi, tôi báo cho cán bộ thú y đến kiểm tra và phát hiện bốn con bò nói trên bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Lực lượng thú y chữa trị cho những con bò bị nhiễm bệnh và tiêm phòng vaccine cho toàn bộ những con còn lại. Đến nay, những con bị nhiễm bệnh đã dần hồi phục”.

Tính từ ngày 16/8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên bò xuất hiện ở 10 huyện, thành phố, thị xã với hơn 450 con của 291 hộ chăn nuôi. Ngành chức năng cũng đã tiêu hủy tám con bò bị nhiễm bệnh, chết. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mến, bệnh viêm da nổi cục trên bò mới xuất hiện gần đây. Người dân chưa quen nhận diện dẫn đến khai báo bệnh chậm. Cùng với đó, đường lây truyền qua côn trùng, khó kiểm soát và thời gian bảo hộ sau tiêm phòng chậm (28 ngày). Chính điều này, nhiều con bị nhiễm đã ủ bệnh lâu ngày nên nặng thêm.

Tại tỉnh Bến Tre, tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò cũng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 380 con bò bệnh tại 33 xã trên địa bàn, tổng cộng có 26 con chết phải tiêu hủy. Trong đó, nặng nhất là ở huyện Ba Tri xảy ra tại 10 xã của huyện có 206 con mắc bệnh, trong đó có bảy con chết. 

Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh 

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuyên, ngụ xã Tân Mỹ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) nuôi sáu con bò nái và bò con. Khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn xã, gia đình ông đã nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn bò. Ông Xuyên cho biết: “Để bảo vệ đàn bò, gia đình quyết định gọi cán bộ thú y đến tiêm dịch vụ bốn con bò trưởng thành với giá 60 nghìn đồng/con. Sau đó, khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ tiêm miễn phí, gia đình tôi được tiêm thêm một con bò cái nên rất an tâm. Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục rất phức tạp nên người chăn nuôi ai cũng tranh thủ tiêm để bảo vệ đàn bò, tránh bị thiệt hại vì giá trị mỗi con bò hàng chục triệu đồng”. 

Đến nay, huyện Ba Tri đã tiêm 84.320 liều vaccine đạt tỷ lệ 83% tổng đàn, đạt 102,5% diện tiêm. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tiêu độc, phun hóa chất để diệt véc-tơ truyền bệnh.  Các địa phương còn lại trong tỉnh Bến Tre cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn bò. Hiện, toàn tỉnh đã tiêm được 159.065 con, đạt tỷ lệ 77,2% trên tổng đàn và tỷ lệ 89,9% diện tiêm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả khả quan. Việc xử lý các ổ dịch, điều trị số bò bị bệnh và tổ chức tiêm phòng vaccine cũng đạt kết quả khá tốt. Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tập trung cho công tác tiêm vaccine phòng bệnh. 

Tại tỉnh Tiền Giang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã mua dự trù 95.000 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và đã cấp theo đề nghị của các huyện gần 75 nghìn liều và đã sử dụng khoảng 53 nghìn liều. Tỉnh Tiền Giang cũng đang triển khai kế hoạch tiêm phòng bổ sung, với gần 22 nghìn liều đến ngày 31/10 để tỷ lệ tiêm phòng đạt yêu cầu tối thiểu 85% trên tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi đã được tỉnh Tiền Giang chủ động thực hiện qua việc mua vaccine dự phòng và xây dựng các kịch bản để tiêm phòng bệnh. Ngành cũng chỉ đạo các địa phương bám sát địa bàn, phát hiện bệnh sớm, dập dịch nhanh để sớm ngăn được dịch bệnh trên vật nuôi.

Tỉnh Bến Tre đã thống nhất chủ trương xuất nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tiêm phòng tại các xã có dịch theo quy định. Đối với các xã còn lại, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách địa phương, nhằm hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng đạt từ 90% tổng đàn trở lên.