Phát triển mô hình đô thị sân bay

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất cả nước, lại nằm giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay, thành phố chưa hình thành “đô thị sân bay” như các nước trên thế giới để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của cảng hàng không quốc tế quan trọng này. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ thí điểm triển khai mô hình trên.

Tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường kết nối quanh Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường kết nối quanh Sân bay Tân Sơn Nhất.

Xu thế tất yếu

Ghi nhận tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) những ngày đầu năm 2022, vào giờ cao điểm sáng chiều người dân đổ ra đường đông đúc, làm ùn ứ trên các tuyến đường chung quanh. “Sân bay Tân Sơn Nhất được xem là trái tim của quận Tân Bình. Tuy nhiên, với tình trạng hạ tầng quá tải cả trong và ngoài sân bay như hiện nay, rất khó để quận có thể đột phá phát triển kinh tế. Mong rằng, cơ quan chức năng nhà nước có những bước đi đột phá hơn nữa để tận dụng lợi thế này”, ông Lê Văn Mười (ngụ đường Trà Khúc, phường 2, quận Tân Bình) nêu.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự nuối tiếc vì suốt mấy chục năm qua TP Hồ Chí Minh đã không phát triển mô hình đô thị sân bay tại quận Tân Bình. Đến nay, quỹ đất để phát triển gần như không còn. Ông Nam cho rằng, Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế hiếm hoi trên thế giới không có kết nối với cao tốc. “Nhìn nhận điều này để thấy rằng, chúng ta đang gánh chịu hậu quả của sự phát triển không bài bản và thiếu tầm nhìn”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, TP Hồ Chí Minh đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển mô hình đô thị sân bay. Điều này thể hiện qua việc đầu tư xây dựng các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn. Lẽ ra các tuyến đường này phải là những đại lộ lớn để làm cơ sở cho việc hình thành đô thị sân bay. Tuy nhiên, do không thể bồi thường được nên đành phải làm theo kiểu “cơi nới” như hiện nay. Hiện nay, việc phát triển mô hình đô thị Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn cơ hội cuối cùng và duy nhất khi gắn với dự án mở rộng sân bay và dự án xây dựng nhà ga số 3. Nếu TP Hồ Chí Minh đủ quyết tâm thì hoàn toàn có thể hình thành được đô thị sân bay có quy mô bằng 60-70% như đô thị sân bay Changi của Singapore.

Để phát huy hết lợi thế của sân bay và địa phương, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã đánh giá, quận Tân Bình có vị trí bao bọc gần hết Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Quá trình vận hành và phát triển sân bay đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển đô thị của quận. Do đó, nhu cầu cấp thiết đặt ra cho cơ quan quản lý đô thị địa phương là đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm phát huy các cơ hội đó, khắc phục một số hạn chế còn tồn tại. Trong đó, tầm nhìn về công tác quy hoạch đô thị gắn kết chặt chẽ với hoạt động của sân bay là then chốt. “Đô thị gắn với cảng hàng không quốc tế là mô hình phát triển khá phổ biến trên thế giới. Trong đó, sân bay quốc tế đóng vai trò cốt lõi và là động lực để kích thích sự phát triển của đô thị và ngược lại”, ông Nhã phân tích.

Theo Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành, thời gian qua, Tân Bình là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, địa phương còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, việc quy hoạch phát triển mô hình “đô thị sân bay” tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là hết sức phù hợp đặc thù của quận để khai phá hết tiềm năng của địa phương. “Lấy sân bay làm trung tâm, từ đó đề xuất thành phố chấp thuận cho quận Tân Bình điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích thương mại, tạo nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực chung quanh khu vực sân bay. Mô hình này giúp khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội của quận”, ông Thành nhấn mạnh.

Phát triển mô hình đô thị sân bay -0
 TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển thí điểm mô hình “đô thị sân bay” thời gian tới.

Cần sự đồng bộ

Theo kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh, cần phát triển quận Tân Bình gắn với “đô thị sân bay” Tân Sơn Nhất. Trong đó, phải phát triển đồng bộ hệ thống giao thông gắn kết với đầu mối sân bay và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cụ thể là chuyển đổi đất quốc phòng sang đất dân dụng để mở rộng sân bay. Song song đó, cần bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố và có chương trình hành động cụ thể.

Đề xuất các giải pháp để hiện thực hóa mô hình “đô thị sân bay” Tân Sơn Nhất, tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng nhà ga hành khách T3 nhằm mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất với quy mô 30 ha chứ không chỉ dừng lại ở quy mô 16 ha như đã duyệt. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm triển khai xây dựng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhằm kết nối nhà ga hành khách T3, cải thiện tình trạng giao thông khu vực chung quanh sân bay. Quỹ đất hai bên tuyến đường này sẽ rất lý tưởng để phát triển thương mại dịch vụ, logistics, hỗ trợ tốt nhất cho mô hình “đô thị sân bay”.

Về phát triển mảng xanh, kỹ sư Thạch Phước Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quận Tân Bình có thể phát triển các mô hình “công viên bỏ túi”. Đây là hình thái không gian mở được khuyến khích hình thành, nhằm xây dựng bổ sung diện tích mảng xanh công viên còn thiếu của quận, góp phần xây dựng “đô thị sân bay” hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, việc phát triển không gian ngầm cũng là một yếu tố được các chuyên gia rất tâm đắc. TS Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với quỹ đất hạn chế thì cần khai thác không gian ngầm. “Các nước trên thế giới khai thác không gian ngầm bằng việc xây dựng giao thông kết nối xuyên khu vực sân bay, hạ tầng dưới sân bay để phát triển thương mại - dịch vụ. Hành lang giao thông sân bay gắn với nhà hàng, cửa hàng mua sắm sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác hành khách quốc tế có tiềm lực tài chính”, ông Tuấn đề xuất giải pháp. Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh cần khai thác thêm không gian ngầm ở Công viên Hoàng Văn Thụ - nơi có diện tích hơn 10 ha.

Để “đô thị sân bay” nhanh chóng hình thành, Bí thư Quận ủy Tân Bình Lê Hoàng Hà cho biết, thời gian tới, quận sẽ rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện thí điểm mô hình “đô thị sân bay” với mục tiêu trở thành đô thị sân bay bền vững. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, di tích văn hóa kết hợp phát triển du lịch, phát triển thương mại - dịch vụ. Cụ thể, quận sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, cập nhật, đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. 

Trao đổi ý kiến với PV, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã khẳng định, sẽ giúp Tân Bình và các quận chung quanh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đánh giá lại điều kiện phát triển đô thị, chỉnh trang khu phố, khu vực gắn với động lực phát triển từ sân bay. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến chuyên gia về bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận sân bay như các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận và Gò Vấp. Theo đó, xem xét điều chỉnh quy hoạch cũng như gia tăng chỉ tiêu cho các khu vực để cải thiện bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, hoạt động logistics...”, ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay. Ông Nhã cũng cho biết, những kết quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp và đưa vào “bức tranh” điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh sắp tới và điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp.

Quy hoạch Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tầm nhìn đến năm 2030 xác định, tăng công suất hệ thống nhà ga từ 25 triệu hành khách/năm lên 40-50 triệu hành khách/năm. Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ việc sử dụng khu đất quốc phòng phía tây sân bay (rộng 21 ha) để làm sân đậu máy bay, đường lăn từ nay đến 2025 nhằm nâng công suất nhà ga hành khách.