Ổn định để giãn cách hiệu quả

Hà Nội vừa bước vào những ngày giãn cách xã hội nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Bằng kinh nghiệm từ lần giãn cách trước đây và từ các địa phương khác, thành phố đã linh hoạt triển khai nhiều biện pháp.

Thực phẩm được cung cấp đầy đủ tại các siêu thị.
Thực phẩm được cung cấp đầy đủ tại các siêu thị.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Trong hai ngày cuối tuần tại các siêu thị lớn như Vinmart, BigC…, lượng người đến mua hàng có tăng so ngày thường song không nhiều biến động. Tình trạng chen lấn, tích trữ hàng hóa đã giảm nhiều so thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội năm ngoái. Các mặt hàng được mua nhiều chủ yếu vẫn là rau, củ, quả, thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Đại diện siêu thị Vinmart cho biết, doanh nghiệp đã tăng cường, đa dạng các kênh bán hàng, bảo đảm nguồn cung, trữ lượng hàng hóa thiết yếu cùng các loại nhu yếu phẩm khác như khẩu trang, nước sát khuẩn… Theo yêu cầu của thành phố, doanh nghiệp phân phối đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm “ba tại chỗ” sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dân.

Phát huy kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ kinh doanh, có thể giao dịch và vận chuyển hàng hóa qua kênh thương mại điện tử. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, sản lượng và giá cả các mặt hàng không bị biến động quá nhiều. Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng Sở Công thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch cũng như bình ổn giá.

Tại các cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, chợ dân sinh, nhờ tuyên truyền kịp thời cũng như chuẩn bị tốt về hàng hóa nên dù lượng người đến chợ tăng song không có đột biến. Tại chợ dân sinh Giáp Bát (quận Hoàng Mai), không có nhiều biến động so trước giãn cách. Hàng hóa tại chợ, chỉ những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, gạo, rau củ quả, thịt cá mới được bày bán, không có hiện tượng người dân mua về tích trữ. Đoạn chợ chính nằm giữa ngõ Giáp Bát đều có chắn barie, lực lượng chức năng túc trực kiểm soát, hạn chế lượng người ra, vào chợ.

Theo quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở cũng rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận, huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. 

Phân luồng xanh vận tải 

Theo Chỉ thị số 17, UBND Hà Nội đã yêu cầu dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô-tô, đường thủy, xe bus, ta-xi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô-tô (bao gồm xe công nghệ và xe ôm); trừ trường hợp phục vụ công tác phòng, chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Đồng thời, yêu cầu một số ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ tạm thời ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách hai bánh (GrabBike, GrabBike Economy), dịch vụ vận chuyển hành khách bốn bánh (GrabCar, GrabCar Economy, GrabCar Pluss, GrabCar Doanh Nghiệp, GrabTaxi) và dịch vụ giao đồ ăn GrabFood trên địa bàn Hà Nội cho đến khi có thông báo mới. 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sở đang tổ chức việc hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố và xác định ba đối tượng ưu tiên được đi lại. Cụ thể gồm xe chở hàng hóa trên luồng xanh quốc gia; xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng được phép hoạt động, xe công vụ của các cơ quan đơn vị; các loại phương tiện vận chuyển hành khách được cấp phép lưu thông theo quy định. Ngoài ra, Sở đang phối hợp công an thành phố duy trì 22 chốt trực và sắp tới sẽ bố trí thêm 30 chốt trực trong thành phố, 26 chốt tại quận, huyện để kiểm soát các hoạt động phòng, chống dịch.

Đối với các chốt có lưu lượng giao thông lớn như Pháp Vân - Cầu Giẽ, chốt cầu Phù Đổng…, Sở đã thống nhất công an thành phố bố trí chốt trực nhiều tầng lớp nhằm bảo đảm giãn cách giao thông và kiểm soát 100% phương tiện ra vào, tránh gây ùn tắc. Đối với việc vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh quốc gia, sở đang cấp online với các doanh nghiệp đăng ký; sau đó, các doanh nghiệp, đơn vị có thể dán trên xe để lưu thông. Đối với việc lưu thông liên tỉnh, Bộ GTVT đã có giấy phép luồng xanh; những doanh nghiệp nào cần, gửi về sở để gửi Bộ GTVT cấp luồng xanh cho hệ thống phân phối đi liên tỉnh nhanh nhất. Luồng xanh được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các vùng sản xuất và của Sở Công thương về hệ thống phân phối (siêu thị, các chợ truyền thống, hệ thống bán lẻ…). Từ đó, Sở GTVT xây dựng phương án phân luồng xanh sao cho an toàn, hiệu quả, bảo đảm hàng hóa thông suốt, không gây ách tắc.