Nỗi lo tự chủ tài chính bệnh viện

Từ vụ việc xảy ra mới đây tại Bệnh viện (BV) đa khoa Saint Paul (Hà Nội), nhiều ý kiến lo ngại những bất cập từ cơ chế tự chủ tài chính đã khiến các BV phải tận thu. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh cũng như chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cho tới nay, khung pháp lý trong cơ chế tự chủ cho BV công lập chưa hoàn thiện sẽ tiếp tục là một trở ngại cho quá trình khám, chữa bệnh cũng như hoạt động của các đơn vị y tế đặc thù này.

Để thu hút người bệnh, các bệnh viện cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, trang thiết bị và chất lượng phục vụ. Ảnh: HẢI ANH
Để thu hút người bệnh, các bệnh viện cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, trang thiết bị và chất lượng phục vụ. Ảnh: HẢI ANH

Áp lực “cơm, áo, gạo, tiền”

Tự chủ BV có ba vấn đề chính: Tài chính; nhân lực - cán bộ và cơ chế vận hành, làm thế nào để nguồn nhân lực phát huy tốt nhất (nguồn nhân lực cấp cao). Đến năm 2018, đã có 100% số BV công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau, trong đó 0,4% số BV tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, 27% số BV tự chủ chi thường xuyên, 68% số đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và chỉ còn 4,6% số BV thuộc nhóm Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Năm 2019, Chính phủ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các BV: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt - Đức và BV K.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi “diện mạo” của các BV công. Theo đó, nhiều BV phát triển cả về quy mô và chất lượng với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ kỹ thuật chuyên môn y tế tại một số BV ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực... Tuy nhiên, suốt thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách, nay các BV công lập phải tự chủ tài chính, loay hoay tìm cách để tồn tại, chắc chắn sẽ có những đơn vị không thể “tự bơi”, gặp khó khăn trong bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Là BV có tên tuổi, cơ sở vật chất khang trang, nằm giữa trung tâm Thủ đô, đội ngũ bác sĩ chất lượng, trung bình mỗi ngày BV đa khoa Saint Paul tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo BV vẫn luôn lo lắng về việc phải “cân đo” các khoản thu - chi. Theo lãnh đạo BV, mặc dù tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, vật tư, thuốc men có giá “nhập khẩu”, nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so thế giới. Thu cao thì sợ bệnh nhân đến cơ sở y tế khác, mà thu thấp thì không đủ bù chi. “Chúng tôi luôn phải cân nhắc để bảo đảm bệnh nhân được hưởng các dịch vụ “chất lượng ngoại, giá nội”, mà lại đủ chi để duy trì hoạt động. Trong khi đó, chúng tôi chưa được đào tạo về kinh tế, việc phải tìm cách có thu đủ để “nuôi quân” mà vẫn hoạt động tốt, phát triển tốt thật sự là một áp lực”, vị lãnh đạo BV chia sẻ.

Để thu hút người bệnh, BV cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ là chính. Song, không phải BV nào cũng đi theo con đường bền vững này. Vì thế, xuất hiện nỗi lo khi đứng trước áp lực tự chủ, các BV sẽ thu hút bệnh nhân bằng những “chiêu thức” khác nhau, trong đó có chuyện tận dụng mọi nguồn thu để “moi tiền” bệnh nhân như kê đơn thuốc không hợp lý, thậm chí kê cả thực phẩm chức năng trong đơn thuốc để bệnh nhân phải mua; kéo dài thời gian điều trị nội trú; lạm dụng các xét nghiệm…

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 cho biết, qua kiểm toán, việc liên doanh, liên kết với khu vực tư nhân đã đẩy người bệnh “thiệt đơn thiệt kép”. Giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào BV được nâng lên gấp đôi. Điều này đồng nghĩa chi phí trả cho máy sẽ kéo dài thời gian hơn và người bệnh sẽ phải chi trả chi phí này. Cụ thể, ông Thăng cho biết, có trường hợp theo giá thật thời gian đặt máy chỉ bảy năm, đến năm thứ tám, máy đó thuộc BV. Thế nhưng cũng cái máy ấy đã được nâng giá lên gấp đôi, nên máy phải được sử dụng 10 - 15 năm. Trong thời gian đó, người bệnh vẫn phải trả tiền…

Nỗi lo tự chủ tài chính bệnh viện ảnh 1

Nhiều bệnh viện công đang đứng trước áp lực tự chủ. Ảnh: SONG ANH

Thiếu nhiều chính sách để “quản” tự chủ

Tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về cơ chế tự chủ đối với BV công lập gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng nêu lên một loạt hạn chế, bất cập đang diễn ra. Đó là, hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đối với BV công còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều BV được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan bộ máy, con người, bố trí nhân sự và biên chế.

ĐB Đặng Thuần Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu dẫn chứng về Thông tư 71 từ năm 2006 đã lạc hậu, chưa khuyến khích được tiết kiệm để tăng thu nhập. Tự chủ nguồn thu chưa quy định đầy đủ, dẫn tới hiện tượng lạm thu, vượt thu, thu sai, thu trùng, thu không thuộc danh mục đang diễn ra tại các BV. Quy trình quản lý thuốc, vật tư tiêu hao chưa được ban hành, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của BV tiến hành tự chủ.

ĐB Nguyễn Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, Bộ Tài chính đến nay vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ làm cơ sở áp dụng mức giá cho phù hợp với chất lượng, từ đó dẫn đến chất lượng dịch vụ giữa các cơ sở y tế khác nhau, tạo ra sự không công bằng trong thanh toán và chi phí khám, chữa bệnh của người dân.

Đối với việc thực hiện tự chủ của các BV công cấp tỉnh, theo quy định hiện nay, việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá khám, chữa bệnh không thanh toán từ quỹ BHYT phải căn cứ vào Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND cấp tỉnh. Việc ban hành nghị quyết và quyết định lại phải có quy trình, thời gian thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi Luật Giá quy định phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành giá thay đổi. Chính việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm dẫn đến nhiều BV phải có hai bảng giá: Giá khám, chữa bệnh BHYT và khám, chữa bệnh cho đối tượng không có BHYT.

Phân tích nguyên nhân khiến thực hiện tự chủ BV công còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, do cơ chế, chính sách còn chung chung, với nhiều cách hiểu khác nhau nên dẫn tới việc áp dụng không thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, rạch ròi cho từng loại BV, ở từng cấp, từ T.Ư đến cơ sở để làm cơ sở áp dụng.

Tháo gỡ khó khăn cho các BV

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc, trong thời gian tới, việc tự chủ phải tiến hành phân loại và giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo các nguyên tắc xây dựng tiêu chí dựa trên khả năng thu và dự toán chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức; có quy định, hướng dẫn cụ thể về phân loại và giao tự chủ cho các BV có nhiều cơ sở trực thuộc. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn cho các BV.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đặc biệt là các BV là rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn rất hạn chế, do đó, việc xã hội hóa, vay vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị là hết sức cần thiết. Đây được xem là giải pháp quan trọng để mở rộng và phát triển các dịch vụ y tế, không chỉ thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu mà còn phục vụ cả các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao (như khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, đặt hàng).

Vì vậy, để tạo điều kiện khuyến khích xã hội hóa trong y tế, các đơn vị phải căn cứ định mức sử dụng một số loại thiết bị y tế có giá trị lớn như PET CT, MRI, CT Scanner, gia tốc… và nhu cầu thực tế của người bệnh để xây dựng các đề án liên doanh, liên kết theo quy định. Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV phải xây dựng hướng dẫn cụ thể việc vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết của các đơn vị, chuyển dần việc liên doanh, liên kết đặt máy sang vay vốn ngân hàng thương mại. Các đơn vị phải xác định các thiết bị nào cần vay vốn, cần liên doanh, liên kết, cần sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, dùng ngân sách để việc đầu tư có hiệu quả nhất, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả…