Nỗ lực giữ lao động ở lại

Khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất, cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại sau cao điểm chống dịch Covid-19 thì vấn đề lớn nhất hiện nay chính là việc kéo người lao động (NLĐ) trở lại làm việc. Thiếu công nhân, các DN cũng như địa phương cần chủ động, linh hoạt tìm giải pháp khi mở cửa sản xuất trở lại.

Sự quan tâm, chăm sóc, đãi ngộ sẽ làm người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NAM
Sự quan tâm, chăm sóc, đãi ngộ sẽ làm người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NAM

Bài toán khó

Dù đã trở lại làm việc hơn 10 ngày nay nhưng chị Thương cũng như một số công nhân (CN) khác gặp không ít khó khăn khi phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 mỗi lần qua chốt kiểm soát giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Đều đặn mỗi tuần hai lần xét nghiệm là khoản chi phí lớn đối với những CN như chị. Chị Nguyễn Hoàng Linh Thương (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Ban giám đốc hứa sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho CN và khuyến khích NLĐ quay trở lại làm việc!”. 

Khó khăn trong việc đi lại là một trong những nguyên nhân khiến NLĐ ở các tỉnh chưa trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, trong khi nhu cầu LĐ tại thành phố đang rất lớn. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 10 có hơn 6.000 DN tại TP Hồ Chí Minh đăng ký hoạt động trở lại. Nhu cầu LĐ ước cần khoảng 34 nghìn người, dự kiến đến cuối năm cần hơn 70 nghìn LĐ. 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian “rất khó khăn” đối với ngành dệt may. Ngành sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng, do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu LĐ do NLĐ đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại làm việc ngay.  

Tại kịch bản tích cực, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, Vitas dự báo, xuất khẩu năm nay đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, còn địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD. Còn ở kịch bản xấu, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách đến đầu tháng 12/2021. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Các DN ngành lương thực, thực phẩm theo thống kê ban đầu đang thiếu khoảng 1.000 CN. Chúng tôi đã báo cáo con số đó lên UBND TP và xin một cơ chế phối hợp giữa thành phố với các tỉnh có CN, chúng tôi sẽ đón CN trở về thành phố để ổn định sản xuất cho DN”. 

Tại Bình Dương, những ngày đầu tháng 10, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu hụt LĐ nghiêm trọng. Nhiều công ty lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, nhưng chỉ có khoảng 50% số CN đăng ký trở lại làm việc. Số lượng CN ở lại làm việc thấp dẫn đến năng lực đáp ứng đơn hàng cho đối tác nước ngoài chỉ đạt 40 - 50% so trước. Nguyên nhân chủ yếu là NLĐ đã về quê hoặc tiếp tục xin nghỉ việc sau thời gian dịch bệnh. Đánh giá về tình hình cung ứng nguồn LĐ phục vụ khôi phục sản xuất từ tháng 10 đến cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định các DN trên địa bàn sẽ cần khoảng 50.000 LĐ để phục hồi sản xuất. 

Liên kết để phân bổ lao động

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bến Tre, gặp gỡ NLĐ ở TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về Bến Tre và một số LĐ khác về Trà Vinh, họ phản ánh do ảnh hưởng dịch bệnh, người lao động khó bám trụ được. Nhiều NLĐ có con nhỏ, khó khăn đủ điều. Cho nên, việc trở về quê là nhu cầu thật sự của họ. NLĐ không phải không lưu luyến TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Đồng Nai bởi đây vốn là nơi mưu sinh, lập nghiệp của họ. Song, khi gặp khó khăn, họ mong sự đùm bọc của quê hương để chờ đợi cơ hội khác. Điều này tạo hiệu ứng đám đông kéo nhau về quê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt LĐ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi NLĐ về quê sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý về mặt cung cầu LĐ giữa các địa phương. Tại một số địa phương lớn - thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu NLĐ trở về quê, khiến nguồn cung LĐ khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng LĐ. Trong khi đó, với những CN đã về quê sẽ xảy ra tình trạng thiếu việc làm hoặc chưa bố trí được công việc ngay. 

Xu hướng hiện nay chính là CN di chuyển từ tỉnh, thành phố lớn có dịch bệnh về quê - những nơi không có dịch. Đây là một sức ép rất lớn đối với chính nơi NLĐ trở về trong việc giải quyết đời sống, việc làm cho họ. Do đó, giữa các tỉnh cần tính toán đến việc trợ lực, liên kết với nhau để phục hồi thị trường LĐ. Địa phương cần thống kê được chính xác số lượng người về và khả năng đáp ứng việc làm đối với nguồn LĐ này.

Mặt khác, chính những địa phương đang thiếu hụt LĐ cần có chính sách kêu gọi NLĐ trở lại làm việc. Trong đó có thể liên hệ với những địa phương đang dư thừa, chưa bố trí được việc làm cho NLĐ. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho DN bằng cách hỗ trợ phòng, chống dịch tại khu CN ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà cho CN. 

Nỗ lực giữ lao động ở lại -0
Các địa phương tổ chức tuyển dụng online kết nối người lao động với doanh nghiệp. 
Ảnh: SONG ANH 

Nhân lực là tài sản của DN

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, để giữ chân và tuyển mới được LĐ, DN cần có sự quan tâm đãi ngộ NLĐ, quan tâm đến những người đang còn làm việc, những LĐ đang nghỉ không lương, kêu gọi LĐ trở lại làm việc để họ tiếp tục gắn bó với DN. 

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất hàng thể thao MXP (Hà Nội), trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành nghề khác vẫn có thể làm việc trực tuyến được, thì ngành dệt may lại không. Chính vì vậy, trong những tháng vừa qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Dù vậy, công ty vẫn duy trì hỗ trợ NLĐ, những ngày lễ vẫn có thưởng cho NLĐ nhưng ở mức thấp hơn. Thí dụ, nếu như trước đây, thưởng ngày lễ là 500.000 đồng, giờ giảm xuống còn 300.000 đồng. “Chủ tịch HĐQT đã cam kết với NLĐ phải giữ bằng được NLĐ làm việc. Bởi, đối với nghề may, để đào tạo một NLĐ lành nghề rất khó. Vì lẽ đó, chúng tôi luôn xác định, NLĐ là tài sản của DN. Thậm chí, chúng tôi còn xác định năm nay có hòa hoặc lỗ vốn thì vẫn phải giữ chân NLĐ”, Phó Tổng giám đốc Công ty MXP cho hay. 

Xác định NLĐ chính là tài sản của DN nên nhiều chính sách kêu gọi, vận động NLĐ ở lại làm việc đã được triển khai, đáp ứng yêu cầu tái sản xuất khi TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại nền kinh tế. Mục tiêu trước mắt là ổn định công việc, cuộc sống của NLĐ đang tham gia sản xuất, từ đó tạo được niềm tin đối với NLĐ đã về quê tránh dịch để họ trở lại làm việc. Xác định rõ điều đó nên dù phải tạm ngưng sản xuất từ tháng 6, Công ty PouYuen Việt Nam vẫn duy trì trả lương cho NLĐ. Thời điểm DN gặp khó khăn nhất vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH. Đây là cách để DN giữ chân NLĐ. 

Thống kê từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza), đã có khoảng 31 nghìn LĐ về quê. Để vận động số LĐ này quay trở lại làm việc, nhiều DN đã thành lập Ban Truyền thông liên lạc, kêu gọi từng NLĐ, thậm chí cả gia đình NLĐ, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin như tiến độ tiêm vaccine, chế độ ưu đãi của DN. Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Hepza cho biết: “Đối với NLĐ đã về địa phương, sau khi tiêm vaccine mũi 1 chưa có cơ hội tiếp cận tiêm mũi 2, chúng tôi đã lên kế hoạch cho họ được tiêm mũi 2. Ưu tiên trong thời gian từ nay đến ngày 15/10". 

Lo lắng về an toàn sức khỏe bản thân là nguyên nhân khiến NLĐ ngại quay trở lại làm việc thời điểm này, dù các DN cam kết thực hiện đầy đủ lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội. Hiểu được tâm lý này, ngay sau đợt giãn cách, nhiều DN chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo chất lượng y tế tại chỗ. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong công ty, nhà máy sẽ có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm tại chỗ định kỳ và đặc biệt có tủ thuốc điều trị Covid-19”.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, để khắc phục vấn đề thiếu LĐ hiện nay, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sát với nhu cầu, tâm lý, quyền lợi của NLĐ. Theo đó, các địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ, hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội; DN cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, tăng cường tuyên truyền việc dịch chuyển về quê ồ ạt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh...