Những kênh hỗ trợ phòng, chống dịch đắc lực

Để chống chọi với dịch bệnh, Hà Nội đang nhận được sự hỗ trợ tối đa nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tình nguyện viên để phát huy hiệu quả cao nhất công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai sẵn sàng mang bình oxy đến cho người bệnh. Ảnh: MINH QUYẾT (TTXVN)
Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai sẵn sàng mang bình oxy đến cho người bệnh. Ảnh: MINH QUYẾT (TTXVN)

Tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà

Vừa bắt đầu ca trực của tổ hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ tại nhà thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh cùng bà Vũ Thị Tuyết Mai và bà Nguyễn Thị Hải Yến (Hội Phụ nữ phường Vĩnh Phúc) nhận thông tin về ba trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 trong một gia đình trên địa bàn phường. Giúp nhau mặc bộ đồ phòng hộ, tổ phân chia người lấy túi thuốc, người mang kit xét nghiệm, tài liệu hướng dẫn điều trị, rồi nhanh chóng đến nhà người bệnh, tiến hành lấy mẫu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Phổi T.Ư hỗ trợ xét nghiệm. Khi có kết quả chính thức, tổ cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị cho các F0, cung cấp cho mỗi người ba mã QR để vào nhóm Zalo tư vấn điều trị, khai báo y tế và cập nhật tình hình sức khỏe hai lần/ngày.

“Sau triển khai quản lý F0 tại nhà qua mã QR, chúng tôi thấy mô hình này mang lại rất nhiều thuận lợi cho lực lượng y tế và người bệnh, giúp họ có tâm lý thoải mái, yên tâm khi chữa trị tại nhà”, bà Ngô Thùy Linh nói.

Mô hình hỗ trợ điều trị F0 tại nhà nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bệnh viện Phổi T.Ư đóng trên địa bàn. Thực hiện quản lý bệnh nhân trên trang tổng hợp nên các bác sĩ Bệnh viện Phổi T.Ư có thể theo dõi được tình trạng F0 đang điều trị tại nhà để có những hỗ trợ kịp thời. Vì thế, các thành viên của tổ hỗ trợ thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc chỉ đến cấp phát thuốc hoặc hỗ trợ xử lý những tình huống phát sinh… Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Phúc Nguyễn Tường Phượng cho rằng, để có thể nhân rộng hiệu quả mô hình hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, các địa bàn cần chủ động trong khâu xét nghiệm, vừa giúp rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, vừa giúp giảm tải cho y tế.

Tương tự cách làm của phường Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Trần Văn Vịnh cho biết, phường cũng đã thành lập các nhóm Zalo và cập nhật bệnh nhân vào nhóm. Từ đó, thành viên trong các tổ có thể tư vấn trên Zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường. “Ngoài hỗ trợ chuyên môn về y tế, chúng tôi cũng đi chợ hộ khi các gia đình có nhu cầu về nhu yếu phẩm, thuốc men”, chị Trần Anh Hồng, thành viên tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ F0 tại nhà phường Mai Động cho biết. 

Lực lượng thanh niên “3T”

Với thông điệp “3T” gồm Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng; Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết tâm chung tay cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh. 

Đến nay, đã có gần 3.000 tình nguyện viên nòng cốt đăng ký tham gia hỗ trợ nhập liệu, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà. Số lượng tình nguyện viên thuộc tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 sẽ thực hiện các nhiệm vụ nhập liệu thông tin bệnh vào phần mềm của Sở Y tế Hà Nội để quản lý. Ngoài ra, còn có lực lượng tình nguyện viên y tế trực tại các khu cách ly tập trung; tình nguyện viên thực hiện điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng tại 638 điểm tiêm chủng. Bên cạnh đó, là sự sẵn sàng của 11.930 tình nguyện viên đăng ký tham gia công tác phòng dịch, hỗ trợ tại 579 xã, phường, thị trấn. 

Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội triển khai “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành”, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại nhà với tổng số hơn 400 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố. Bằng việc tiếp nhận thông tin qua tổng đài 1022 nhánh 3, “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” hiện đã hỗ trợ 3.659 bệnh nhân nhiễm Covid-19; thực hiện 11.155 cuộc gọi, kết nối thành công 5.982 cuộc gọi đến người dân, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân. 

Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố cũng phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức triển khai mô hình “ATM - oxy” tới 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô. 

Để vận hành hiệu quả “ATM - oxy”, Đoàn Thanh niên các đơn vị sẽ thành lập tổ trực hotline (18/24), thành phố thành lập tổ trực ban đêm, tiếp nhận thông tin, phối hợp cùng các đơn vị chức năng địa phương xác minh các trường hợp hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ với “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” thực hiện đo SpO2, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cùng với đó, thành phố sẽ thành lập các trạm oxy vệ tinh bảo đảm an toàn theo quy định trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, trong quá trình thực hiện, đội ngũ tình nguyện viên trực tổng đài - hotline, giao nhận thiết bị, vận chuyển, lắp đặt… trong đội hình “ATM - oxy” cũng được trang bị đầy đủ kiến thức y tế, đồ bảo hộ, phương án an toàn phòng, chống dịch. 

Những bác sĩ online thiện nguyện

Trang tương tác fanpage “Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” trên mạng xã hội Facebook đã được thành lập kịp thời với mục đích trợ giúp miễn phí và kịp thời cho các F0. TS, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo (Bệnh viện Bỏng quốc gia), người thành lập nhóm cho biết, hiện nhóm thu hút hơn 51.000 thành viên, có 30 bác sĩ tình nguyện tham gia hỗ trợ 24/24 giờ. Trung bình, mỗi bác sĩ hỗ trợ cho 20 - 30 gia đình có F0/ngày, hiện tổng số ca bệnh được tư vấn, hỗ trợ là 4.000 ca và có khoảng 1.000 ca trong đó đã khỏi bệnh. Hiệu ứng và sự lan tỏa của nhóm như một “bệnh viện” thu nhỏ của hàng nghìn bệnh nhân F0. 

Bác sĩ Đào Huy Hiếu, chuyên ngành Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi nhận được 70 - 80 cuộc gọi của bệnh nhân. Tất cả các cuộc gọi đến, tôi đều tư vấn cặn kẽ giúp bệnh nhân yên tâm điều trị. Trong đó, đa số các cuộc gọi đều là người già, có bệnh nền, do vậy tôi đề nghị gọi điện thoại có hình (video call) để hướng dẫn cụ thể, chi tiết các loại thuốc mà bệnh nhân có sẵn nên dùng theo liều lượng như thế nào”. 

Còn bác sĩ chuyên khoa 1 Nội tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, hằng ngày anh nhận thông tin của 40 - 50 bệnh nhân qua tin nhắn và chủ động gọi điện tư vấn cho từng bệnh nhân, không bỏ sót thông tin của bệnh nhân nào. Nhờ được tư vấn nhiệt tình, hướng dẫn kỹ lưỡng, hầu hết các bệnh nhân đã yên tâm điều trị. 

Không chỉ có nhóm “Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, một số nhóm bác sĩ khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các F0 vượt qua khó khăn khi điều trị tại nhà bằng những tư vấn hữu ích qua môi trường mạng. Có thể kể đến Dự án Tham vấn tâm lý miễn phí “Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch” trên Facebook với 30 bác sĩ, chuyên gia tâm lý tham gia. Hay những nhóm Zalo ở các tổ dân phố trên địa bàn phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), công khai số điện thoại hỗ trợ của bác sĩ, để có thể hỗ trợ chăm sóc nhiều F0, F1 tại nhà. Ngoài ra, tổng đài 1022 nhánh 3 tại Hà Nội cũng hoạt động hiệu quả khi luôn có 300 y, bác sĩ sẵn sàng đồng hành với các trường hợp mới phát hiện nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà hoặc đang trong các khu cách ly tập trung.