Nhịp sống của người dân “vùng xanh”

Với nỗ lực và thận trọng cao nhất, Bình Dương đang từng bước thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh theo hướng mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” trên bản đồ Covid-19. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.  

Hoạt động sản xuất tại Công ty Thiên Phiên, Cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY
Hoạt động sản xuất tại Công ty Thiên Phiên, Cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Dù trên các tuyến đường vẫn còn chốt kiểm soát, song cuộc sống của người dân ở Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên… (Bình Dương) đã từng bước được “nới lỏng”, chỉ trừ “vùng đỏ” là vẫn còn khóa chặt. Người dân đã được ra đường mua hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết. 

Bà Nguyễn Hồng Nguyên, ngụ khu phố 3, phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một) cho biết, thực hiện giãn cách gần hai tháng nay, cả nhà không đi đâu, ngoại trừ mua hàng thiết yếu từ tiệm tạp hóa gần nhà, giờ được ra đường nên tranh thủ mua ít tập vở về cho con học online.

Tại TX Bến Cát, người dân ra đường có ý thức rất cao và thực hiện tốt biện pháp 5K của Bộ Y tế. Tại khu vực siêu thị Mỹ Phước (phường Thới Hòa, TX Bến Cát), anh Nguyễn Quốc Tuấn, ngụ khu phố 6 đã nhanh chóng vào mua nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, nhưng khi đem bỏ vào cốp xe, anh không quên xịt khử khuẩn cẩn thận.

Anh tâm sự: “Mặc dù được ra đường nhưng tôi vẫn cứ cẩn thận, vì dịch bệnh còn phức tạp, mình cẩn thận để bảo vệ cho mình, gia đình và cộng đồng”. 

Ông Bùi Duy Hiền, Bí thư Thị ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX Bến Cát thông tin, sau khi công bố “vùng xanh”, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để giữ chặt “vùng xanh” và xanh hóa các “điểm vàng” còn lại. Thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; nới lỏng giãn cách, thực hiện lưu thông giữa các “vùng xanh” trên địa bàn và với các “vùng xanh” lân cận; chia nhỏ địa bàn, kiểm soát chặt chẽ đến từng tổ nhân dân tự quản, từng tuyến đường thuộc “vùng đỏ”, khu vực phong tỏa; triển khai mô hình “ba xanh”, dần dần khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. 

Thực tế, Bình Dương đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh khôi phục sản xuất bằng nhiều giải pháp. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, các DN chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công thương tỉnh Bình Dương phê duyệt. Trong đó, điểm nhấn là không còn ca F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, địa phương theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm 100% số người lao động. Theo lộ trình, DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán trên cơ sở khoa học, đồng bộ và bền vững, phù hợp đặc điểm của DN và diễn biến tình hình phòng, chống dịch của địa phương.

Về phía mình, các DN phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan tổ chức xét nghiệm cấp giấy xét nghiệm cho từng lao động. Thông báo, gửi kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương sau mỗi lần xét nghiệm để phục vụ công tác hậu kiểm. Tổ chức thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế tại nhà máy, nơi làm việc, nơi ở. Thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại nơi ở/nhà trọ của công nhân đang làm việc trong DN theo hướng toàn bộ công nhân trong một DN sẽ được sắp xếp ở tập trung trong một hoặc một số khu nhà trọ xanh để DN đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án “một cung đường, hai địa điểm”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, để tiếp tục giữ vững “vùng xanh”, từng bước thu hẹp các vùng nguy cơ, thời gian tới tỉnh sẽ hết sức thận trọng giữ từng “vùng xanh”, khu phố, xóm ấp xanh với quyết tâm bước tới đâu giữ tới đó. Xanh đến đâu thì phải giữ xanh đến đó, và phải cố gắng thu hẹp dần các “vùng đỏ”, tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế tương ứng các vùng xanh, đỏ thì phải đáp ứng điều kiện trạm y tế lưu động; đồng thời tăng cường về nhân lực, vật lực trang thiết bị y tế, thuốc men, năng lực xét nghiệm, điều trị…

Về lâu dài, theo ông Võ Văn Minh, Bình Dương sẽ thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN, bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nhất là việc liên kết giải pháp vùng giáp ranh với TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh...