Nhân văn những chiếc phao cứu sinh

Những cây cầu vào nội thành Hà Nội đang có thêm sắc cam và trắng của… những chiếc phao cứu hộ. Một nhóm tình nguyện về bơi lội đã thực hiện việc làm ý nghĩa này. 

Những chiếc phao cứu sinh trên cầu Long Biên.
Những chiếc phao cứu sinh trên cầu Long Biên.

Lời tha thiết ngăn ý nghĩ tiêu cực

“Sáng sớm đi làm qua con đường hằng ngày nhưng thấy cái gì lạ lắm, hóa ra có thêm mấy cái phao buộc hai bên cầu, nhận luôn ra ý của người treo”, chị Nguyễn Phương Linh (huyện Đông Anh) chia sẻ khi nhìn thấy những chiếc phao cứu sinh được treo hai bên lan-can cầu Nhật Tân. 

Những chiếc phao này thuộc dự án “Tình yêu sông Hồng” do Câu lạc bộ bơi Khám Phá kết hợp cùng Red River Supper Club trực tiếp treo trên những cây cầu. Anh Nguyễn Ngọc Khánh, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Nhìn những vụ đuối nước đau lòng quá, nên cứ muốn phải làm một điều gì đó. Những chiếc phao này sẽ trở thành công cụ khi cứu người”. 

Những chiếc phao được lựa chọn để treo dọc những cây cầu thay vì những cuộn dây thừng. Đó còn là lời nhắc nhở của đội làm tình nguyện dành cho những người đang có ý định tự tử. “Mong là trong giây phút dại dột ấy, họ sẽ nhìn thấy những chiếc phao như một động lực để bấu víu, trở lại với sự sống tươi đẹp”, anh Khánh chia sẻ. 

Được biết, nguồn kinh phí cho những chiếc phao này đến từ Quỹ Phát triển bơi lội Việt Nam-Mon Swimming. Hơn 400 chiếc phao sẽ được treo trên những cây cầu bắc qua sông Hồng thuộc 10 tỉnh, thành phố. Hiện, trên địa bàn Hà Nội, những chiếc phao cứu sinh này đã được treo ở sáu cầu gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì và Long Biên. Số phao tương ứng chiều dài mỗi cây cầu. Trung bình, mỗi chiếc cầu sẽ có khoảng 5-7 chiếc cho một bên, phao được cột bằng dây thép hướng về phía mặt sông Hồng, bảo đảm công tác cứu nạn được diễn ra nhanh nhất khi có sự cố xảy ra.

Trên mỗi chiếc phao đều được in chữ “phao cứu người - không lấy” như một lời nhắc nhở khi ai đó có ý định xấu. Anh Khánh cho rằng: “Mỗi chiếc phao giá trị không nhiều, khoảng 100 nghìn đồng/chiếc, nhưng nó là thứ cần thiết và có khả năng cứu một mạng người”. 

Việc làm của nhóm tình nguyện đã nhận được sự ủng hộ. “Có rất nhiều người đã chọn nơi đây là nơi kết thúc cuộc sống. Nhiều lần mọi người muốn cứu nhưng không đủ khả năng. Nhìn thấy những chiếc phao này được treo lên, tôi cũng thấy rưng rưng trong lòng, thật sự rất cảm động trước tinh thần vì cộng đồng của nhóm tình nguyện”, chị Trần Nguyễn Lan Anh (Long Biên) chia sẻ. Đồng quan điểm, anh Trần Lâm (Hoàn Kiếm) cho biết: “Không dưới hai lần tôi chứng kiến có người tự tử bằng việc nhảy cầu. Mình muốn cứu nhưng với độ cao như thế thì cũng khó, có thêm những chiếc phao này sẽ tăng cơ hội cứu người hơn. Hy vọng thời gian tới không chỉ là dọc các cây cầu mà nhóm sẽ triển khai thêm ở ven các bờ dọc hai bên sông”. 

Mong không phải nghe thêm tin đuối nước 

Về việc treo phao trên cầu, anh Khánh cho biết “vì đã liên hệ trình bày mục đích và xin ý kiến nên hoạt động của câu lạc bộ được ủng hộ lắm, nhiều địa phương còn đề xuất thêm về việc lắp ở các cầu khác không bắc qua sông Hồng”. Trong tương lai, anh hy vọng được kết nối nhiều hơn với Đoàn thanh niên các địa bàn để làm đơn vị phụ trách trực tiếp cũng như có thể đồng hành cùng câu lạc bộ trong các dự án phòng đuối nước cho trẻ.

Đuối nước ở trẻ em là thực trạng đau lòng. Rất nhiều lớp học bơi hè, những chương trình phòng đuối nước được tổ chức nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra. Ngoài việc trang bị phao cứu sinh, các tình nguyện viên còn đang thực hiện những chương trình dạy bơi và dạy cứu người đuối nước miễn phí tại các tỉnh khác dọc sông Hồng từ Lào Cai đến Thái Bình và đã đạt được kết quả khả quan như trang bị kỹ năng sinh tồn dưới nước cho gần 700 người. Trong đó, có đến hơn 70% là học sinh. 

Hiện nay, việc thực hiện dự án treo phao và phổ cập bơi lội mới chỉ thực hiện được khoảng 25% mục tiêu. Nhưng đón nhận của cộng đồng là động lực để câu lạc bộ tiếp tục thực hiện kế hoạch. Mong muốn lan tỏa rộng hơn sức ảnh hưởng của chương trình, anh Khánh và những người thực hiện dự án chỉ mong rằng “khi hè về sẽ không phải nghe bất kỳ một tin đuối nước nào nữa”.

Theo báo cáo giai đoạn từ 2015-2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình nước ta mỗi năm có 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước. Trong đó, có 77,6% xảy ra tại cộng đồng, 22,3% số ca xảy ra tại gia đình và 0,1% xảy ra tại trường học.