Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng diễn biến phức tạp

Theo Bộ Y tế, chiều 5-5, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) lấy mẫu hơn 800 người là nhân viên y tế và bệnh nhân, kết quả xét nghiệm 14 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, có hai nhân viên y tế, tám bệnh nhân điều trị các bệnh khác trong viện, bốn người nhà bệnh nhân.

Các bệnh viện trên cả nước tăng cường tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế. Ảnh: THANH XUÂN
Các bệnh viện trên cả nước tăng cường tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế. Ảnh: THANH XUÂN

Truy vết thần tốc

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong số hơn 800 mẫu được lấy tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thì hơn 300 mẫu đã có kết quả. 14 trường hợp dương tính gồm hai nhân viên y tế, tám bệnh nhân điều trị các bệnh khác trong viện, bốn người nhà bệnh nhân. Trước đó, có một ca bệnh được công bố ngày 4-5 là bác sĩ công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu của BV này. Ngay trong sáng 5-5, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa ký quyết định cách ly tập trung nhân viên, người lao động làm việc tại cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) để phục vụ công tác chống dịch. Thời gian thực hiện cách ly từ 8 giờ ngày 5-5. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng cá nhân, sinh hoạt cho những người cách ly.

Cùng ngày, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, người lao động, học viên, bệnh nhân và người nhà tại hai cơ sở. Đồng thời, BV tạm ngừng tiếp nhận khám và nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú tại cả hai cơ sở. Hiện, trên địa bàn đã thành lập bốn chốt kiểm soát bên ngoài BV. 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong sáng 5-5, tại tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận thêm tám ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Các trường hợp đều liên quan ổ dịch xuất phát từ ca bệnh người Trung Quốc. Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 14 người mắc Covid-19. Cơ quan chức năng đã rà soát, truy vết được 911 trường hợp F1; 2.681 trường hợp F2; 1.450 trường hợp F3; đưa 750 trường hợp đi cách ly tập trung tại các cơ sở quân sự; 42 người cách ly tại cơ sở y tế huyện, thành phố; 4.760 trường hợp cách ly tại nhà. 

Cũng trong sáng 5-5, CDC Hà Nội công bố về một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có lịch trình đi lại phức tạp. Đó là bệnh nhân ĐTMH, sinh năm 1989, nơi ở hiện nay: K8765 Mẹ Nhu, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng). Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 5-5 và có yếu tố dịch tễ là ngồi ghế gần hai bệnh nhân mắc Covid-19 trên chuyến bay VN160. 

Đáng lưu ý, đến thời điểm hiện tại, theo công bố của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nước ta cùng lúc phải đối mặt ba chùm ca bệnh tại Hà Nam và Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nội, Yên Bái; trong đó, có cả chủng biến thể Ấn Độ và Anh. Chủng Ấn Độ được cho là có thể lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine, nên được gọi là chủng virus biến thể kép. Chính vì thế, theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, điều quan trọng nhất cần làm là thần tốc truy vết, chạy đua với SARS-CoV-2 và chặn đứng đường lây của virus. Các địa phương cần rà soát, tìm kiếm và cách ly toàn bộ F1, F2 và xét nghiệm sớm. Thời gian càng lâu, virus càng đi xa và lây lan rộng hơn.

Lên phương án chủ động ứng phó

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 4-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Tình hình hiện nay đang tiềm ẩn mọi yếu tố có thể dẫn đến tình huống xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng với diễn biến phức tạp, đồng thời nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ bên ngoài”. Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm. “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến”, Phó Thủ tướng nói.

Thời gian qua, phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà. Các ý kiến thống nhất đánh giá, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly mắc Covid-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.

Ngày 5-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có công điện hỏa tốc về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, thực hiện cách ly tập trung ít nhất 14 ngày đối với người nhập cảnh theo các quy định hiện hành và quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo sau khi kết thúc cách ly tập trung; rà soát cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung bảo đảm việc giám sát chặt chẽ người được cách ly; các khu cách ly tập trung phải có đủ camera để giám sát người được cách ly thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, các camera giám sát phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định.

Đặc biệt, phải chấn chỉnh việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về việc hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Yêu cầu người sau khi hoàn thành cách ly tập trung phải cam kết áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, đồng thời phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung; phải sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trong suốt thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; phải thực hiện việc khai báo sức khỏe hằng ngày cho cán bộ y tế địa phương…