Nguy cơ ảnh hưởng tâm lý hậu Covid-19

Đã có cảnh báo về tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần trong vòng sáu tháng kể từ khi mắc bệnh này. 

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến số 16 tại TP Hồ Chí Minh.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến số 16 tại TP Hồ Chí Minh.

Ám ảnh dai dẳng, suy nghĩ tiêu cực…

Hơn 760 nghìn bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch thứ tư đã được chữa khỏi. Vậy nhưng không phải chữa khỏi là hoàn toàn yên tâm. Trong số những người khỏi bệnh, có một tỷ lệ không nhỏ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Theo đó, có 26% bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các rối loạn sau sang chấn.

Trước khi mắc Covid-19, chị Nguyễn Hoàng Hà, 45 tuổi (quận Đống Đa, Hà Nội) là người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Nhưng nay chị thường xuyên cảm thấy kiệt sức và sợ hãi về những tổn thương có thể xảy ra với tim, phổi và não như từng trải qua khi bị mắc Covid-19. Chị cảm thấy có những mối đe dọa từ khắp mọi nơi. “Đã hơn năm tháng kể từ khi mắc Covid-19, tôi luôn không thấy khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi luôn có những cơn đau dữ dội ở đầu, ở bụng, ở chân, ở tay. Tôi gặp khó khăn khi đi lại. Tôi cảm giác mình trở nên vô dụng. Rối loạn tâm lý sau khi mắc Covid-19 thật sự là vấn đề nghiêm trọng”, chị Hà bộc bạch.

Chị Hà là một trong số rất nhiều người bị ảnh hưởng rối loạn tâm lý sau khi mắc Covid-19. Điều khó khăn nhất đối với bệnh nhân F0 là phải tự mình giành giật sự sống mà không có người thân bên cạnh. Đó có thể là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm lý. Gia đình chị Nguyễn Phương Hoa (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đều mắc Covid-19. Cả nhà năm người được chữa trị ở các bệnh viện khác nhau. Có thời điểm chị Hoa mất liên lạc với mẹ và con. Chị chia sẻ: “Mình sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt cũng không giảm. Mình cảm thấy khó thở. Bác sĩ nhắc tập thở liên tục. Bên tai lúc nào cũng văng vẳng câu nói của bác sĩ với bệnh nhân nặng mà như ngỡ nói với mình: “Chỉ rút máy ra là chết!”. Những lúc đó, cảm giác hoảng loạn, bồn chồn, lo lắng không biết mẹ mình cao tuổi có qua khỏi bệnh không? Con mình ra sao hay mình cũng không thể vượt qua bệnh tật!”.

Việc đối diện giữa cái chết và sự sống đã khiến nhiều bệnh nhân nghĩ đến điều tiêu cực, thậm chí là muốn tự tử. Bác sĩ Vương Đình Thủy, Tổ Tư vấn sức khỏe tâm thần Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đã gặp ít nhất 10 bệnh nhân có các vấn đề trầm cảm và có ý định tự tử. Tôi rất ấn tượng với một bệnh nhân nam 56 tuổi, là trụ cột kinh tế trong gia đình, diễn biến nặng lên ở bệnh viện tuyến dưới sau một tuần điều trị bị quá tải. Khi tôi tiếp xúc, bệnh nhân đã có những dấu hiệu buồn chán, trầm cảm, rất tuyệt vọng, suy nghĩ muốn tự sát. Chúng tôi đã phải sử dụng các phác đồ cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn. Bệnh nhân được sử dụng các loại thuốc chuyên khoa tâm thần tốt nhất rồi hỗ trợ tâm lý hằng ngày”.

Cần can thiệp sớm

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Khoa Tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai đã vào TP Hồ Chí Minh ngay từ khi tổ Tư vấn sức khỏe tâm thần Bệnh viện dã chiến số 16 mới hoạt động nhằm điều trị, hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân Covid-19. 

Sau hai tháng điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ cho biết, ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe tâm thần có thể khởi phát ngay từ khi người bệnh phát hiện mình bị mắc Covid-19 hay trong cả quá trình họ được cách ly, điều trị Covid-19. Cả khi mà sức khỏe cơ thể của họ đã tốt lên rồi nhưng những ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe tâm thần sẽ còn kéo dài hơn. Họ thường cảm thấy lo lắng, rối loạn tâm trạng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thậm chí là trầm cảm. Cùng với đó, có một tỷ lệ đáng kể, những người sau khi bị nhiễm bệnh Covid đã phải sử dụng những hóa chất kích thích, sau đó họ lại lạm dụng hơn nữa để tránh trạng thái căng thẳng liên quan đến vấn đề biến chứng Covid. 

Những đối tượng nguy cơ cao, thường gặp phải các rối loạn tâm thần hơn là người bệnh cao tuổi, trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Hoặc họ là nhóm yếu thế, chịu những gánh nặng trong cuộc sống, không có nghề nghiệp ổn định. Bên cạnh đó, với nhóm người có vấn đề sức khỏe tâm thần trước giai đoạn dịch bệnh, khi dịch bệnh xảy đến, khi họ bị nhiễm Covid, khả năng những ảnh hưởng sẽ xảy ra nhiều hơn và mức độ ảnh hưởng sẽ nặng hơn so nhóm dân số chung.

Bác sĩ Yến cũng thông tin, hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, chúng ta mới có những nghiên cứu mang tính “lát cắt ngang” để đưa ra những số liệu xem vấn đề mắc Covid-19, tỷ lệ mắc căn bệnh này liên quan đến sức khỏe tâm thần là bao nhiêu. Còn những nghiên cứu dài hơn và sâu hơn thì tôi nghĩ, chúng ta sẽ có trong thời gian tới. Khi chúng ta nhận thấy, có yếu tố tác động đến stress rất lớn lên một người, đặc biệt người đó là bệnh nhân Covid thì chúng ta phải can thiệp tâm lý sớm để phòng ngừa, giảm bớt những nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm thần nặng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân. 

Điều đáng lưu ý, khi quay trở về cuộc sống bình thường, người mắc Covid-19 vẫn phải đối mặt với những kỳ thị của cộng đồng khi nhiều người cho rằng, những người mắc Covid-19 đã vô ý thức gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khiến họ phải chịu cảnh cách ly, thậm chí bị lây bệnh.