“Người mẹ” 72 tuổi của các bệnh nhi ung thư

Mỗi ngày cặm cụi bán từng bó hương, vài món đồ lưu niệm, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, 72 tuổi (mệ Tuyết) ở làng hương Thủy Xuân, TP Huế dành toàn bộ số tiền kiếm được giúp đỡ những phận đời kém may mắn. 

Các em nhỏ vui mừng khi gặp mệ Tuyết. Ảnh: KIM PHÚ
Các em nhỏ vui mừng khi gặp mệ Tuyết. Ảnh: KIM PHÚ

Từ nỗi đau buông xuôi…

Ám ảnh của mệ Tuyết về căn bệnh ung thư đến với những người thân trong gia đình vài chục năm trước vẫn còn hiện hữu. Hai chữ “buông xuôi” cứ quay đi ngoảnh lại. Để rồi cách đây tám năm, trong một lần đi thăm người bạn thân ở Bệnh viện Trung ương Huế, hành trình sẻ chia của mệ bắt đầu. Qua khe cửa sổ bệnh viện, những đôi mắt trẻ thơ đầy thương cảm đang từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư là động lực để mệ Tuyết tổ chức những đợt trao quà, bánh kẹo cho các em. “Những ánh mắt vô cùng đau khổ, mệ không thể chịu nổi. Mệ đọc được niềm hy vọng có thể hết bệnh, hoặc là bệnh chỉ ở mức độ nhẹ”, mệ Tuyết bồi hồi.

Đã qua nhiều năm nhưng ký ức về những em bé chỉ vài ba tuổi đã rụng hết tóc, hay có em phải sống trong bóng tối vì đôi mắt bị ung thư giác mạc. Có em chỉ quanh quẩn bên chiếc giường bởi đôi chân em không còn… Tất cả vẫn in rõ trong trí nhớ mệ Tuyết. Bé Trúc nhỏ nhắn, tưởng chừng đôi mắt em đã lành lại, chuyến thăm vài tháng trước, mệ Tuyết vui thấy em dần khỏe, thì đợt sau vào lại, mệ nghe tin em đã mất. 

Cứ tích góp đủ số tiền thì mệ Tuyết sẽ tổ chức đi thăm các bệnh nhi ngay. Mệ biết những hoàn cảnh ở Bệnh viện Trung ương Huế đang chờ niềm hy vọng từng phút, từng giây. Hàng nghìn bệnh nhi tại đây đã quen với gương mặt của cụ bà mắt đã nheo, người thấp nhỏ, cứ vài tuần lại đến thăm, chơi đùa với chúng.

Thắp thêm ngọn lửa sẻ chia

Trước mỗi đợt đi trao quà, mệ Tuyết đều gọi điện đến bệnh viện để nắm số lượng các em đang điều trị tại đây. Sau mỗi cuộc gọi, lòng mệ lại nôn nao đợi ngày hôm sau gặp các em. Mệ cho biết, mỗi phần quà trao cho các em là phong bì 100 nghìn đồng cùng bánh, kẹo. Những trường hợp nặng, mệ Tuyết dành riêng phần quà khoảng 500 nghìn đồng để động viên các em và ba mẹ đang chăm nom. “Con đau, cha mẹ nào làm ăn được đâu. Cha mẹ ngày này tháng nọ đi chăm con thật sự rất tội. Họ đã dành hết thời gian vào viện lo từng cái ăn cái uống cho con nên không thể đi làm được. Khi ôm con đau ốm trên tay, không thể có chi phí trang trải. Tâm nguyện của mệ là mong được giúp đỡ các cháu nhiều hơn”, mệ Tuyết trải lòng.

Câu chuyện làm thiện nguyện của mệ Tuyết ngày càng được nhiều người biết đến. Các nhà hảo tâm ở xa hoặc không tiện đi lại đã cùng chung tay đóng góp. Các bạn trẻ đang sống tại TP Huế thường dành thời gian đi cùng mệ đến bệnh viện trao quà. Hai năm qua, anh Huỳnh Kim Phú, công tác tại ngân hàng Liên Việt, chi nhánh Thừa Thiên Huế đều đặn có mặt trong mỗi chuyến đi. “Nhìn mệ Tuyết thăm hỏi từng em nhỏ trong viện, mình thấy bản thân vẫn may mắn hơn nhiều hoàn cảnh. Chứng kiến từng đứa trẻ kém may mắn chịu đau đớn, rất mủi lòng”, Phú chia sẻ. 

Có những chuyến đi vào hôm trời đổ mưa to, đồ đạc, bánh kẹo lỉnh kỉnh gói ghém mang theo, cả đoàn chấp nhận mưa lạnh nhưng phải đến bệnh viện đúng hẹn. Để có nguồn kinh phí duy trì các chuyến hỗ trợ, mỗi ngày từ 4 giờ sáng, khi sương sớm còn mờ, mệ Tuyết đã thức dậy, bày biện hàng hóa đón khách. “Các con vô chụp ảnh đi. Lấy nón ra chụp cho đẹp con nạ”, câu nói quen thuộc của mệ đã giữ chân bao du khách. Biết chuyện mệ Tuyết bán hàng lấy lời hỗ trợ bệnh nhi, số tiền phát tâm của khách ghé quán ngày càng nhiều. Mệ đều ghi chép vào sổ cẩn thận.

Mỗi chuyến đi trao quà, tổng kinh phí khoảng 60 triệu đồng. Mệ nói mình được ơn trên thương nên gian hàng lưu niệm nhỏ là nơi kết nối những tấm lòng. Có đợt, một vị khách ghé quán mua món quà nho nhỏ, khi về, người đó gửi một phong bao, lúc mở ra, mệ bất ngờ bởi trong đó là hơn 10 triệu đồng. “Họ đóng góp thầm lặng thì mệ phải sống tốt, trao gửi tấm lòng đó đến các em ở viện”, mệ nói. 

Chị Trương Thị Kim Yến, điều dưỡng trưởng - Khoa nhi tổng hợp 2 (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, người kết nối mệ Tuyết với các bệnh nhi nói: “Ngày đầu tiên gặp mệ tôi thực sự bất ngờ khi mệ làm được những điều ý nghĩa như vậy. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng mệ vẫn hăng say đi thiện nguyện. Nhìn vào mệ, tôi tự thấy mình nhỏ bé và vẫn chưa làm được gì cho các cháu. Những món quà nhỏ của mệ đã động viên bệnh nhi và gia đình vượt lên thử thách, chiến đấu với bệnh tật. Quả thật, mệ là một người mẹ cao cả của những bệnh nhân nhi ở đây nhiều năm qua”.

Có những cuộc gặp gỡ mang theo nụ cười của mệ Tuyết khi biết hôm đó là ngày một em nhỏ hết bệnh và được ra viện. Tiếng cười của mệ vang khắp bệnh viện. Nhưng đôi lúc, không khí buổi trao quà lắng lại khi cả đoàn hay tin em bệnh nhi tháng trước còn gặp nay đã không còn.