Người lao động còn nặng gánh

Trên các con phố tại Thủ đô Hà Nội đã thấy rực rỡ sắc đào, trong siêu thị đã tưng bừng hàng Tết. Nhưng với nhiều người lao động sau một năm khó khăn do dịch bệnh thì dường như  Tết vẫn còn xa vì vẫn phải nặng gánh mưu sinh. 

Lao động tự do nhọc nhằn kiếm thu nhập dịp cận Tết.
Lao động tự do nhọc nhằn kiếm thu nhập dịp cận Tết.

Tết xa xôi

Đã sát ngày tiễn ông Táo về trời, thế nhưng, con đường ven hồ Hoàn Kiếm vẫn vắng hoe khách. Bà Ngọc (80 tuổi) ngồi lặng lẽ dưới gốc cây lộc vừng cổ thụ bán những món đồ lưu niệm, đồ chơi nhỏ xinh cho khách. Âm thanh của chiếc trống quay nhỏ xíu không đủ để níu chân khách qua phố. Cụ bà mắt đã mờ vẫn ngóng nhìn dòng người phía trước nhưng đáp lại chỉ là những bước chân vội vã. Bà Ngọc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) tâm sự: “Làm gì có tiền tiêu mà nói đến chuyện Tết hả cô. Làm sao bán được hàng để bà cháu có chút đóng tiền nhà”. Ngồi buồn thi thoảng bà Ngọc lại têm miếng trầu. Thỉnh thoảng lại sắp xếp lại mấy món đồ. Bà chỉ cố làm vậy để người đi đường chú ý hơn và bán được hàng. Mong ước về Tết của bà rất đơn giản: “Mong có gạo, chai dầu ăn, nước mắm. Thế thôi, chỉ cần thế thôi”.

Ở phía bên kia đường Hàng Khay, ông Phả (57 tuổi) chạy xe xích-lô nhìn thấy ai đi bộ qua đường cũng cố vẫy tay mời. Cả buổi sáng chưa được cuốc xe xích-lô nào. Tiền kiếm được bây giờ chỉ bằng 1/5 so với trước. Ông Phả (Hải Hậu, Nam Định) bày tỏ: “Cuộc mưu sinh ngày càng khó khăn, không có khách, ngày chỉ cố gắng kiếm đủ ăn. Tất nhiên, cận Tết khách có đông hơn nhưng không đáng là bao”. Ông Phả mới lên Hà Nội được 10 ngày, hy vọng kiếm chút tiền cho Tết. Chưa gom góp được mấy nhưng Tết ông vẫn tính về bên gia đình để sum họp gia đình. “Mình phải về chứ. Nhưng năm nay, Tết không đủ đầy rồi”, ông Phả tâm sự. 

Gần tháng nay, vợ chồng anh chị Hùng - Loan ngồi đợi ở đầu dốc đoạn gần chợ Long Biên để bắt việc nhưng chỉ bữa có, bữa không. Quê ở Hà Nam, sau xây nhà lại thêm nợ nần nhiều nên hai vợ chồng ra Hà Nội thuê trọ rồi đi làm. Công việc thì tự do, ai mướn làm gì làm đấy, miễn là kiếm ra tiền, chẳng nề hà. Khi thì đi gánh hàng, dỡ nhà, chuyển gạch, phụ hồ, bưng cây cảnh… Tháng trước, cả vợ, cả chồng mỗi người làm được vỏn vẹn 10 ngày. Số tiền ấy, chỉ đủ trả tiền nhà trọ, chưa kể điện nước.

Hà Nội những ngày cận Tết, nhìn quanh đâu cũng thấy bóng dáng của những người lao động. Họ mong có khách để bán được hàng, mong có công việc hơn là Tết về.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, trao quà - mang Tết ấm đến với người nghèo Xuân Nhâm Dần 2022”. Chương trình được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thuộc diện “thoát nghèo”; người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác;… và các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh và cơ sở y tế huyện điều trị trong dịp Xuân Nhâm Dần 2022. 

Xoay xở cho Tết

2021 là năm đầy khó khăn, đầy biến động, lương thưởng của người lao động giảm hơn 30% so năm 2020. Dù sát Tết, nhiều lao động xa nhà cũng không có ý định trở về quê ăn Tết cũng vì vẫn nặng gánh mưu sinh.

Đã gần hai năm nay, ngoài việc tăng ca, làm thêm giờ, chị Hòa (Xuân Trường, Nam Định) đang làm việc tại Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) còn thêm nghề bán hàng online. Đồ bán hàng chủ yếu từ quê gửi lên, khi thì là thịt lợn sạch, khi là cá biển, rau xanh… Ngoài ra, chị còn tự chế biến các món thực phẩm để bán phục vụ bữa ăn hằng ngày cho công nhân trong khu nhà trọ như lạc rang, dưa muối, thịt kho, tôm rang… Chị Hòa tranh thủ mùa nào, thức nấy miễn là có thêm đồng ra, đồng vào. “Công việc cắt giảm, thu nhập kém đi, Tết này, lương của chồng giảm, thưởng cũng chỉ bằng 1/2 so năm ngoái nên tôi cố gắng bán hàng lại ở nhà trông được các con”, chị Hòa tâm sự. Vì hoàn cảnh còn khó khăn, Tết không giúp gì được hai bên nội ngoại nên gia đình chị Hòa lại quyết định ăn thêm một cái Tết ở Hà Nội. Chị Hòa nói:  “Mong muốn lớn nhất là bán được hàng. Tết chỉ cần vậy thôi”. 

Đây là cái Tết thứ hai, chị Yến không về nhà, dù nhà chỉ cách công ty hơn 100 km. Đã mấy tháng nay, chồng chị bị mất việc làm, chỉ còn chị là lao động chính nên cố gắng làm tăng ca. Thưởng Tết cũng kém hơn năm ngoái nên hai vợ chồng quyết định ở lại để tiết kiệm chi phí. Chị Nguyễn Thị Yến, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Năm ngoái tôi không về quê, năm nay tôi cũng không về. Tôi cũng nhớ gia đình, nhớ bữa cơm tất niên quây quần lắm”. 

Gia đình chị Hòa, chị Yến là số nhỏ của các gia đình công nhân đang sống và làm việc tại khu công nghiệp Hà Nội. Theo những cách khác nhau, họ đều đang nỗ lực để có một cái Tết ấm cho gia đình trong đại dịch. 

Năm nay, Liên đoàn Lao động Hà Nội dành ra 200 tỷ đồng chăm lo cho người lao động dịp Tết chưa tính đến nguồn vận động tài trợ, nguồn hỗ trợ của T.Ư. Số tiền Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dùng để chăm lo cho người lao động lên tới 3.000 tỷ đồng. Mỗi người công tác tại các doanh nghiệp đều được hỗ trợ 300.000 đồng. Liên đoàn cũng tổ chức thăm hỏi và mua quà động viên những lao động không về quê ăn Tết.